Friday, June 21, 2013

GIỚI HÀNH THỨ MƯỜI BỐN: PHONG GIỚI HÀNH

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống PHONG GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của phong giới hành là gì?
Giới đức phong giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh phong giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua phong giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh mạng.
Phong giới tu tập cũng như hỏa giới vậy. Trước tiên chúng ta phải có sự tư duy quán xét về tính của gió. Tính gió là hay thổi, thổi tất cả các đồ bất tịnh, thổi tất cả các ác pháp và các dục, tham, sân, si, gió thổi sạch, thổi không chừa một vật gì. Cho nên tu tập tính như gió là phải thổi tan tất cả các ác pháp.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này la Hầu La, hãy tu tập sự tu tập như gió, này La Hầu La, do tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này La Hầu La. Như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ bất tịnh, thổi phẩn uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán, cũng vậy này La Hầu La hãy tu tập sự tu tập tâm như gió...”.
Như đã nói ở trên, muốn tu tập làm gió để thổi tất cả các ác pháp và các cảm thọ thì phải biết rõ tánh của gió, tính của gió là thổi đồ dơ, đồ sạch, gió đều thổi tất cả không bỏ sót một vật nào, rất bình đẳng và công bằng. Vì thế muốn tâm mình làm gió thì phải tu tập như thế nào để tâm trở thành gió thật sự.
Muốn tâm thành gió thật sự thì phải tu tập như thế nào để có một sức lực mạnh mẽ như gió, để khi sử dụng thì tâm mạnh như gió mới thổi tan đi mọi ác pháp. Nếu không tu tập tâm được như gió thì khó mà thổi tan các ác pháp.
Muốn tu tập được sức mạnh như gió thì chúng ta phải nương vào hơi thở mà tác ý: “Tâm ta phải như gió, thổi cho thật sạch tất cả các pháp tham, sân, si, mạn, nghi, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Nhớ câu tác ý này mà ngày ngày bền chí tu tập thì tâm có một nội lực mạnh sẽ thổi tan tất cả, dù là núi non hùng vĩ, dù có cứng chắc và trơ trơ như sắt đá vẫn bị sức mạnh của tâm như gió thổi tan nát, nếu các bạn tu tập: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.
----
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment