Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống HỎA GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của hỏa giới hành là gì?
Giới đức hỏa giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh hỏa giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua hỏa giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh mạng.
Hỏa giới hành cũng tu tập như thủy giới hành vậy, có nghĩa là phải tư duy quán xét tính của lửa. Tính của lửa là tính đốt cháy tất cả, đồ bất tịnh cũng như đồ thanh tịnh, phẩn uế, nước tiểu, nước miếng, máu mủ, đờm nhớt, v.v.. đều đốt sạch không thứ nào tính lửa không đốt. Tuy đốt cháy tiêu tan như vậy, nhưng lửa chẳng hề buồn rầu, lo lắng thương ghét, oán hờn, thù giận một vật gì cả; đốt cháy như vậy nhưng tính lửa vẫn không dao động, vẫn không nhàm chán ghét dơ một vật gì cả. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “này La Hầu La hãy tu tập sự tu tập như lửa, này La Hầu La, do tu tập tâm như lửa các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này La Hầu La, ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phẩn uế, đốt nước tiểu, nước miếng, đốt mủ, đốt máu, tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán cũng vậy, này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập như lửa ...”.
Nếu đặc tính của chúng ta thích tu tập tâm như lửa để đốt sạch các ác pháp, các dục và các cảm thọ thì hằng ngày phải siêng năng tu tập theo như lời Phật đã chỉ dạy.
Muốn tu tập tính như lửa để đốt cháy các pháp ác và lòng tham muốn thì hằng ngày chúng ta nên tu tập pháp môn như lý tác ý. Tu pháp môn như lý tác ý thì cần phải trạch pháp giác chi kỹ lưỡng câu mình muốn tác ý. Câu muốn tác ý là hàng đầu trong mọi pháp tu tập như câu: “tâm ta như lửa phải đốt sạch các ác pháp không được để trong lòng những pháp ác, phải đốt sạch các cảm thọ đau khổ, phải đốt sạch các dục ham muốn, phải đốt sạch những phiền não trong tâm, phải đốt sạch lòng sân hận, phải đốt sạch sự lo lắng, ưu phiền, v.v..”.
Hoặc chúng ta nương vào hơi thở mà tác ý: “Phải đốt sạch tâm sân tôi biết tôi hít vô, phải đốt sạch tâm sân tôi biết tôi thở ra”.
Hoặc: “Phải đốt sạch tâm tham tôi biết hít vô, phải đốt sạch tâm tham tôi biết tôi thở ra”.
Hoặc “Phải đốt sạch sự hôn trầm thùy miên tôi biết tôi hít vô, phải đốt sạch hôn trầm thùy miên tôi biết tôi thở ra”.
Hoặc “Phải đốt sạch thùy miên, hôn trầm, tôi biết tôi đang đi kinh hành”.
Ta tiếp tục tu tập như vậy, cho đến khi nào tâm tham, sân, si không còn, chỉ còn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, hay nói cách khác chỉ còn lại tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Đó là ta đã đạt được mục đích của sự giải thoát.
----
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách:
No comments:
Post a Comment