Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống HỶ GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của hỷ giới hành là gì?
Giới đức hỷ giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh hỷ giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua hỷ giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Hỷ giới hành tu tập cũng giống như Bi giới hành. Vậy muốn tu tập Hỷ giới hành ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về Hỷ giới. Này La Hầu La do tu tập sự tu tập về tâm hỷ. Cái gì thuộc về bất lạc sẽ được diệt trừ”.
Theo như lời dạy trên đây chúng ta lưu ý sự tu tập về tâm hỷ và cái gì thuộc về bất lạc sẽ được diệt trừ. Tu tâm hỷ sẽ diệt trừ tâm bất lạc, Vậy tâm bất lạc là gì?
Tâm bất lạc là tâm phiền não, khổ đau lo rầu, sợ hãi, khóc thương, tâm trạo hối tâm loạn động, v.v..
Vậy tu tập sự tu tập về tâm hỷ như thế nào?
Trong kinh Bát Thành dạy: “Này Gia chủ, Tỳ Kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới trên dưới bề ngang, hết thảy phương dưới cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm kết hợp với hỷ quảng đại vô biên không hận, không sân, vị ấy suy tư và được biết : “Hỷ tâm giải thoát này là pháp hữu vi, do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt’’. Vị ấy do vững trú ở đây”.
Đoạn kinh trên giải thích cho chúng ta biết sự tu tập tâm hỷ, có nghĩa là phải luôn luôn tác ý lòng hân hoan đối với vạn vật chỗ nào cũng có lòng hân hoan. Do chỗ nào cũng có lòng hân hoan, nên các ác pháp và chướng ngại pháp sẽ được hóa giải không còn tác dụng vào thân tâm chúng ta được khiến cho tâm hồn lúc nào cũng vui vẻ, an lạc và hạnh phúc.
Chúng ta biết rằng lòng hân hoan vui vẻ hạnh phúc đó chỉ là pháp hữu vi tạm thời; nó là pháp vô thường luôn chịu sự hoại diệt, chứ không phải trạng thái hoan hỷ này là vĩnh viễn, nhưng nhờ trú vào nó mà các ác pháp không tác động vào thân tâm ta được. Do thân tâm không bị ác pháp tác động vào được nên cứu cánh tại nơi đó chứ không phải tâm hoan hỷ. Biết tâm hoan hỷ là pháp hữu vi vô thường, nhưng ở đây đức Phật dạy chúng ta nên vững trú ở trạng thái hoan hỷ này vững tâm giữ gìn trạng thái này thì sẽ đoạn trừ được tất cả các lậu hoặc và như vậy những gì ta chưa chứng đạt sẽ được chứng đạt.
Trở lại đoạn kinh giáo giới La Hầu La. đức Phật dạy: “Hãy tu tập sự tu tập về tâm hỷ, cái gì thuộc về bất lạc sẽ được đoạn trừ”.
Đoạn kinh trên đã trả lời câu hỏi thứ nhất, còn câu hỏi thứ hai: “bất lạc sẽ được đoạn trừ”. Vậy bất lạc là gì?
Bất lạc tức là lậu hoặc bất lạc là sự chưa chứng đạt.
Trong bài kinh này dạy chúng ta nên vững trú ở trạng thái hoan hỷ thì chưa chứng đạt sẽ được chứng đạt.
Muốn an trú được ở trạng thái tâm hỷ thì không có pháp nào hơn là pháp như lý tác ý cùng với hơi thở.
Muốn tu tập kết quả được giải thoát như vậy, ta thường nhắc tâm: “Trước các ác pháp và các chướng ngại pháp tâm ta phải luôn luôn hoan hỷ vui vẻ. Ta biết ta hít vô, ta biết ta thở ra”.Nên nhớ cứ an trú theo pháp này những gì chưa chứng đạt ta sẽ được chứng đạt, đừng cầu, đừng muốn mau, chỉ cần hằng ngày giữ gìn tâm đừng mất lòng hoan hỷ, đừng mong cầu gì cả thì có ngày sự chứng đạt sẽ đến, các bạn ạ!
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách:
No comments:
Post a Comment