Wednesday, June 19, 2013

GIỚI HÀNH THỨ BA: GIỚI KHẨU HÀNH NGHIỆP

Giới thiệu Bộ giới hành Sadi
Giới hành thứ nhất: Nói lời không thành thật
Giới hành thứ hai: Giới thân hành nghiệp


Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống giới luật KHẨU HÀNH NGHIỆP nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới luật khẩu hành nghiệp là gì?
Giới đức khẩu hành nghiệp là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh ngữ nghiệp.
Giới hạnh khẩu hành nghiệp là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua những khẩu hành nghiệp như: nói, nín, tiếp giao với mọi người,v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh khẩu nghiệp.
Giới khẩu hành nghiệp là giới hành về lời nói. Vậy xin các bạn hãy vui lòng lắng nghe lời đức Phật dạy: “Này La Hầu La, khi con muốn nói một lời nói gì thì hãy suy nghĩ lời ấy như sau: lời nói này của ta, có thể đưa đến làm khổ ta, có thể đưa đến làm khổ người khác, có thể đưa đến làm khổ cả hai. Lời nói này bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một lời nói như vậy này La Hầu La nhất định chớ có nói con ạ!”.
Trong giới hành này đức Phật dạy rất cụ thể về lời nói, khi muốn nói một điều gì thì phải có sự tư duy rất kỹ lời nói ấy. Ai cũng biết khi nói ra lời nói sai, ác, không đúng sự thật thì rất khó lấy lại. Nói ra lời nói phải là lời nói đem lại hạnh phúc và sự an vui cho mình, cho người thì mới nói, còn nói ra làm khổ mình, khổ người thì không nên nói. Người xưa nói:“Lời nói không mất tiền mua, lựa ăn lựa nói cho vừa lòng nhau” hoặc “khi nói ra phải đánh lưỡi bảy lần”. Nếu chúng ta thực hành đúng như lời dạy này thì trên thế gian là Thiên Đàng, Cực Lạc.
Thưa các bạn! Tu hành là một danh từ nói theo tôn giáo, chứ danh từ tu hành là những hành động suy tư, nghiền ngẫm cẩn thận trước khi làm một điều gì, nói một điều gì hay suy nghĩ một điều gì để những điều đó không làm hại mình, hại người và hại cả hai. Cho nên danh từ tu hành theo Phật giáo ở giai đoạn mới bắt đầu thì chúng ta thấy đức Phật không có dạy cho La Hầu La cúng bái, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, cầu nguyện, v.v.., mà dạy sự tư duy suy nghĩ trước khi muốn làm, muốn nói, muốn suy tư một việc gì đều phải là thiện. Nhờ cẩn thận tư duy kỹ lưỡng từng hành động, lời nói và sự suy nghĩ của mình đều hoàn toàn thiện thì mới mong mang đến cho mình, cho người những sự an vui hạnh phúc. Phải không các bạn?
Vậy mà thời nay, khi chúng ta mới bước chân vào chùa là dạy tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, gõ chuông, đánh mõ, đánh trống, đánh đẩu; tụng kinh thì ê, a giọng cao giọng thấp như đào kép hát... như ca nhạc.
Có một số tu sĩ ham danh chạy theo học hành để đạt những cấp bằng Cử nhân, Tiến sĩ...
Nhưng thưa các bạn! Xét lại bài kinh trên chúng ta thấy rất rõ Phật dạy tu để giải thoát ra khỏi sự khổ đau của kiếp làm người, còn các Tổ thì dạy cho chúng ta có một cái nghề để sống kiếm ăn bằng cách lừa đảo dối gạt người. Có đúng không các bạn?
Các vị Giảng sư chỉ học có cấp bằng để nói láo, chứ có tu hành gì đâu?
Còn dạy tụng kinh niệm chú là để hành nghề Thầy cúng mê tín lạc hậu... chứ có tu hành gì đâu? Nói như vậy có đúng không các bạn?
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment