Friday, June 21, 2013

GIỚI HÀNH THỨ MƯỜI BẢY: BI GIỚI HÀNH



Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống BI GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của bi giới hành là gì?
Giới đức bi giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh bi giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua bi giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Trước khi học và tu tập Bi giới hành thì chúng tôi xin nhắc lại Từ giới hành, như các bạn đã biết tâm từ là lòng thương yêu tất cả chúng sanh; còn tâm bi là lòng thương xót tất cả chúng sanh.
Thương yêu và thương xót không giống nhau các bạn ạ! Thường người ta hay ghép hai từ này lại làm một từ kép “TỪ BI” để chỉ cho lòng thương yêu rộng lớn vĩ đại hơn cả lòng bác ái, nhưng trong Phật giáo thì nó được chia ra làm hai từ rất rõ ràng, vì hai từ này là hai pháp môn để tu tập, cho nên tâm từ khác tâm bi. Hai tâm này có công dụng khác nhau để đối trị hai ác pháp trong tâm con người.
1/ Lòng từ đối trị tâm sân hận.
2/ Lòng bi đối trị tâm hãm hại.
Do lòng thương yêu của tâm từ mà tâm sân hận của chúng ta không phát khởi và được tiêu diệt, bởi lòng thương yêu luôn luôn sẵn lòng tha thứ dù bất cứ một điều ác gì.
Do lòng thương yêu mà ta vượt qua tất cả mọi ác pháp và tất cả các chướng ngại vật đang tác động vào thân tâm ta.
Do lòng thương xót thấy mọi vật đau khổ, tàn héo, khô cằn, đang rên la kêu khóc, đang quằn quại rên rỉ khiến ta cầm lòng không được, nên bỏ qua tất cả lỗi lầm mà họ đang cố hại chúng ta. Lòng bi khiến cho ta nhớ đến những nỗi thương đau chung của muôn loài chúng sanh, do đó chúng ta không nỡ lòng nào ghen ghét, ganh tị cố tâm làm hại chúng được. Chúng sanh đã từng chịu nhiều khổ đau trong qui luật của nhân quả. Thế sao ta lại nỡ đành lòng làm hại chúng?
Làm giảm sự đau khổ cho đời thì ta nên cố gắng hết mình để không làm hại mình hại người hại cả hai. Lời đức Phật dạy La Hầu La còn văng vẳng mãi bên tai: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về lòng bi. Này La Hầu La, do tu tập sự tu tập về lòng bi, cái gì thuộc về hại tâm sẽ được trừ diệt”.
Muốn tu tập về phương pháp này cho có hiệu quả thì các bạn nên dùng pháp như lý tác ý và hơi thở hay đi kinh hành. Hơi thở hay đi kinh hành là chỗ tựa nương của tâm để bạn tác ý thực hiện được lòng bi. Nhờ có tu tập được như vậy, bạn sẽ không có phiền não, tham, sân, si, oán ghét, thù hận để hại người hại vật, hại mình, hại cả hai.
Trong cuộc đời có nhiều người tâm nhỏ mọn ích kỷ có chuyện gì không đúng sở thích của mình, không hợp với mình thì tìm cách nói xấu, nói điều này, nói điều khác, mục đích là để hại người, làm cho người khác bị khinh chê hoặc dùng lời mạt sát, mạ lị người khác, làm cho họ không ngóc đầu lên với thiên hạ!
Phần nhiều trong cuộc đời này họ hại nhau giết nhau bằng ngôn ngữ nhiều nhất. Không những người ngoài đời mà trong các tôn giáo, nhất là Phật giáo, tuy ngoài miệng nói từ, bi, hỷ, xả, nhưng trong tâm chất chứa gươm đao, dao, mác, v.v.., dùng ngòi bút mạ lị, mạt sát để thỏa lòng tham vọng, danh lợi.
Bởi vậy nếu không biết tu tập tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả thì từ, bi, hỷ, xả chỉ là những danh từ suông rỗng tuếch. Cho nên tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả không tu tập đúng pháp thì không bao giờ có tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả được. Vậy tu đúng pháp như thế nào?
Chúng ta tìm nơi vắng vẻ như gốc cây, cánh đồng hoang vắng, bờ suối, nghĩa địa, nhà mồ. Tìm nơi vắng vẻ xong ta ngồi kiết già, lưng thẳng để thân tâm được đi vào yên lặng xong thì ta mới bắt đầu tác ý: Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”,khi tác ý như vậy ta hãy lắng tâm nghe hơi thở vô ra. Khi hơi thở vô ra đều đặn ta lại tác ý “Lòng thương xót chúng sanh phải phủ trùm mười phương không bỏ sót một chúng sanh nào cả, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý như vậy xong, ta hãy lắng nghe hơi thở ra vô với lòng thương xót đối với tất cả chúng sanh. Hoặc tác ý ngắn như: “Hít vô tôi biết tâm tôi thương xót chúng sanh, thở ra tôi biết tâm tôi thương xót tất cả chúng sanh”. Và thế tiếp tục tu tập như thế thì kết quả đến với ta là ta không bao giờ còn làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh nữa; ấy là giải thoát các bạn ạ! Các bạn đừng nghĩ giải thoát là những điều cao siêu mà thành ra không tưởng.
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment