“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một hành động đạo đức thuộc về khẩu hành làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều cần phải học hiểu để biết lối sống của một vị Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ bằng tất cả đức hạnh buông xả, từ bỏ lối sống thế gian, từ bỏ những thân hành ác, từ bỏ những lời nói ác để thực hiện vào lối sống Thánh thiện.
GIỚI ĐỨC NGÔN NGỮ SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một đức hạnh ngôn ngữ để thực hiện Thánh đức im lặng. Người ở đời thường hay dục ăn, dục nói, ít khi có ai chịu suy nghĩ lời nói trước khi nói ra. Khi đã nói ra lời nói không ái ngữ thường đem đến sự khổ đau cho mình,cho người và cho cả hai. Biết rõ điều này hơn ai hết nên đức Phật dạy:“Sống chế ngự lời nói”. Sống chế ngự lời nói là một hành động ngăn chặn và hạn chế lời nói ác, lời nói khiến mình khổ, người khác khổ. Nhờ có hạn chế và ngăn chặn lời nói ác nên cuộc sống mới được yên vui, an lạc và vô sự.
Người nào biết sống chế ngự lời nói ác là người có đạo đức về ngôn ngữ, họ luôn luôn ít nói nhưng khi nói ra thì nói những lời êm ái, dịu dàng, ôn tồn, nhã nhặn thường mang lại sự an vui, hạnh phúc cho mình, cho người và cho cả hai.
Muốn được vậy thì phải tu tập và sống đúng giới đức, giới hạnh, giới hành này nghiêm chỉnh, nhờ có tập sống như vậy lâu ngày mới thành thói quen im lặng, ít nói, hạn chế và ngăn chặn lời nói, càng ít nói, càng hạn chế và ngăn chặn lời nói thì càng yên vui và hạnh phúc hơn. Sự im lặng ít nói thường mang lại hạnh phúc, yên vui nhiều hơn cho mình và cho mọi người.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là người biết sống cho mình, cho người. Bởi vậy người biết sống cho mình, cho người là người phải nói ít, khi muốn nói ra một điều gì đều phải có sự suy nghĩ kỹ lưỡng rồi mới nói như trên đã dạy. Khi suy nghĩ kỹ lưỡng thấy lời nói ra không có hại mình, hại người, hại cả hai thì mới nói, như trong kinh Giáo Giới La Hầu La đức Phật dạy: “Này La Hầu La, khi con muốn nói một lời nói gì thì hãy suy nghĩ lời nói ấy như sau: lời nói này của ta,có thể đưa đến làm khổ ta, có thể đưa đến làm khổ người khác, có thể đưa đến làm khổ cả hai. Lời nói này bất thiện, đưa đến đau khổ, đem đến quả báo đau khổ. Một lời nói như vậy, này La Hầu La nhất định chớ có nói con ạ!”.
Đoạn kinh trên đây đã xác định cho các bạn thấy rằng: “SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI”là một giới đức để thực hiện đức ái ngữ.
Một người muốn sống có đạo đức về lời nói thì phải chế ngự và ngăn chặn lời nói ác. Chế ngự và ngăn chặn lời nói ác là một hành động đạo đức về ngôn ngữ. Cho nên làm người ai ai cũng phải học, hiểu và rèn luyện đạo đức này, nếu thiếu đức hạnh này thì cuộc sống không bao giờ có hạnh phúc, không bao giờ có tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Cho nên, ngôn ngữ là một vấn đề quan trọng khi giao tiếp với mọi người, lời nói không khéo sẽ mang đau khổ cho mình cho người, vì thế nên cẩn ngôn nói ít chứ đừng nói nhiều là hay nhất.
GIỚI HẠNH NGÔN NGỮ SỐNG CHẾ NGỮ LỜI NÓI
Thưa các bạn! Chúng ta là những người hậu học, có đầy đủ phước duyên với chánh pháp của đức Phật, nên mới được nghe những lời dạy quý báu đầy thương yêu tha thiết của một người cha lành đang dạy những đứa con mà chắc chắn trên đời này chúng ta khó gặp, khó tìm được một người cha như vậy.
Đọc những lời dạy giới luật trên đây của đức Phật các bạn có thấy mình giống như La Hầu La không? Một đứa con độc nhất của đức Phật. Theo chúng tôi nghĩ: các bạn hiện giờ cũng giống như La Hầu La đứa con duy nhất của đức Phật đang được nghe những lời dạy êm ấm đầy lòng thương yêu. Phải không các bạn?
Ngày xưa đức Phật trực tiếp dạy La Hầu La. Ngày nay những lời dạy ấy vẫn còn trực tiếp dạy chúng ta. Chúng ta là những đứa con một của đức Phật đang lắng nghe những lời dạy ấy và chúng ta cũng cảm nghĩ thấy mình chính là La Hầu La đang lắng nghe những lời dạy êm ái, nhẹ nhàng đầy tình thương yêu của năm xưa.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một oai nghi tế hạnh tuyệt vời, nó mang đầy đủ Phạm hạnh của một người tu sĩ và cư sĩ Phật Giáo về lời nói, nó nói ra luôn luôn ôn tồn, nhã nhặn, êm ái, dịu dàng v.v.. tràn đầy ái ngữ.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một oai nghi tế hạnh mang đầy đủ những hành động đức hạnh về ngôn ngữ của một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ. Vậy các bạn hãy cố gắng tu tập rèn luyện cho thành một thói quen chủ động điều khiển Thánh giới hạnh ngôn ngữ đức hạnh này.
Kính thưa các bạn! Chỉ có những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ là những đệ tử của đức Phật thì mới chấp hành những oai nghi tế hạnh chế ngự lời nói, còn ở thế gian thì mọi người không thể sống chế ngự lời nói. Như các bạn đã biết: nhờ sống Phạm hạnh chế ngự lời nói khiến ai nấy đều kính trọng và quý mến. Do đó vua A Xà Thế là một người rất thông minh nên khi nghe đức Phật nói xong, ông liền tán thán ca ngợi: “Bạch Thế Tôn! Không như vậy, trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế...”.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một oai nghi tế hạnh của bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ, nên nói thì dễ mà sống được như vậy rất khó. Cho nên, chỉ những người có quyết tâm cao muốn chuyển đổi cuộc sống thế gian này trở thành cõi Thiên Đàng, Cực Lạc thì mới cố gắng thực hành sống đúng giới hạnh này.
Sống giới hạnh chế ngự lời nói là một pháp hành ngăn ác diệt ác về khẩu nghiệp thật là tuyệt vời. Nó giúp cho hành giả tâm vô lậu về khẩu nghiệp hoàn toàn thanh tịnh.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một oai nghi tế hạnh tuyệt vời đầy đủ Phạm hạnh về ngôn ngữ của một người có đạo đức nhân bản - nhân quả. Những lời nói ra, nó mang đầy đủ những đức và hạnh về ngôn ngữ.
GIỚI HÀNH NGÔN NGỮ SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một giới hành về đức hạnh ngôn ngữ thứ nhất của sự im lặng. “Im lặng như Thánh” đó là lời đức Phật đã nhắc nhở cho các đệ tử của mình. Giới hạnh ngôn ngữ là sự im lặng như Thánh. Sư im lặng như Thánh mang đầy đủ tính chất thanh thản, an lạc và vô sự. Lời nói im lặng như Thánh mang đầy đủ một trạng thái tâm không phóng dật, một trạng thái tâm vô lậu, một trạng thái tâm Niết Bàn. Đó là đạo đức ngôn ngữ hành thứ nhất của Phật giáo.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là đức hạnh ngôn ngữ ít nói. Khi nói ra lời nào thì lời nói ấy phải ngọt ngào, êm ái, dịu dàng, ôn tồn, nhã nhặn, không xưng hô phách lối, không gọi tên xách khoé, không thiếu lễ độ, thiếu văn hoá trong lời nói v.v.. Đó là ngôn ngữ hành thứ hai của Phật giáo.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là đức hạnh ngôn ngữ thành thật, thẳng thắn, trực ngôn, không nói lời a dua, nịnh bợ, không nói tránh né, không nói trườn uốn như lươn v.v.. Đó là ngôn ngữ hành thứ ba của Phật giáo.
“SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI” là một hành động sống Thánh hạnh trong đạo Phật. Bởi vậy những người tu theo Phật giáo cần phải lưu ý những Thánh hạnh ngôn ngữ này mà tu tập và rèn luyện cho thuần thục, cho nhuần nhuyễn thì sẽ thấy những kết quả vô lậu của giới hành này.
Đây là một giới hành quan trọng cho bước đường tu tập để đi đến giải thoát hoàn toàn của Phật giáo. Nếu những ai đã xem thường những giới hành này thì con đường tu tập không bao giờ tu tập đi đến nơi đến chốn. Nếu tu tập không đi đến nơi đến chốn thì tu tập để làm gì? Tu tập để đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo thì có ích lợi gì? phải không các bạn?
Thà trở về đời sống thế tục, sống như bao nhiêu người khác, sống có đạo đức nhân bản - nhân quả còn tốt hơn.
Chỉ mới bắt đầu vào đạo, sống những giới hạnh như vậy mà vua A Xa Thế còn phải chấp nhận đứng dậy chào hỏi và mời ngồi... tỏ ra rất cung kính và tôn trọng, huống là tu hành giữ gìn giới luật trọn vẹn, sống đúng những Thánh hạnh thì sẽ lợi ích cho mình cho người biết là dường nào.
Giới này đức Phật đã dạy cho La Hầu La trong bộ sách Văn Hoá Truyền Thống tập I “GIỚI KHẨU HÀNH” tức là “SỐNG CHẾ NGỰ LỜI NÓI”, xin các bạn lưu ý: đó là một giới hành đạo đức ngôn ngữ tuyệt vời nó không riêng cho giới tu sĩ mà ngay cả những người cư sĩ nói riêng, nói chung cho tất cả mọi người dù bất cứ tôn giáo nào, có tôn giáo hay không tôn giáo.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách:
No comments:
Post a Comment