Thursday, June 27, 2013

CẠO BỎ RÂU TÓC

Kính thưa các bạn! Bây giờ chúng ta bắt đầu bước vào khu rừng giới luật đức hạnh của con người nói chung, của những tu sĩ Phật giáo nói riêng, những bông hoa đạo đức muôn mầu muôn sắc mang lại vẻ đẹp cho đời càng tươi thắm thêm.
“CẠO BỎ RÂU TÓC” là một hành động đạo đức làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo. Mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Thánh đều cần phải học và sống đúng đức hạnh này. Bởi vì, chỉ có Thánh mới biết tất cả các pháp thế gian là ảo tưởng, không có một vật thật có, chỉ do duyên hợp tạo thành nên mới buông bỏ sạch bằng hình tướng “CẠO BỎ RÂU TÓC” để tượng trưng cho sự thoát ly mọi sự khổ đau.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh trong những đức hạnh làm Thánh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có như vậy, các bạn mới xứng đáng là người đệ tử của Phật, mới xứng đáng làm gương hạnh sống đạo đức cho mọi người, mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
GIỚI ĐỨC BUÔNG XẢ TRẦN CẤU
 “CẠO BỎ RÂU TÓC” là một giới đức buông xả trần cấu, giúp cho người tu hành thoát ra khỏi tâm chấp ngã, ham thích trang điểm làm đẹp. Nhờ thế, các bạn mới thoát ra khỏi qui luật của nhân quả. Bởi vì, “CẠO BỎ RÂU TÓC” là một hành động thay đổi tướng tham dục, tướng thế tục tham đắm để trở thành tướng buông xả. Nếu người mang tướng buông xả mà còn tham đắm có nhiều của cải tài sản, xe cộ, chùa to, Phật lớn, vật chất đầy đủ, ăn uống phi thời thì người thế gian sẽ kết án, khinh chê và không còn quý trọng, cung kính, họ xem những người tu sĩ này là Ma Vương đang ra tay diệt Phật Giáo.
“CẠO BỎ RÂU TÓC” là một giới đức xa lìa trần cấu, người tu sĩ Phật giáo biết lấy giới đức cạo bỏ râu tóc, làm phương tiện tiến bước vào cửa đạo để “XẢ THÂN CẦU ĐẠO”, thì con đường đạo ngày thêm tươi sáng hơn. Bởi vì hình tướng cạo bỏ râu tóc là hình tướng buông xả cuộc đời trần cấu ô trược thế gian.
Đúng vậy, đây là cách thức buông xả trần cấu về thân đầu tiên cho người mới vào đạo, nếu không buông xả trần cấu thân tâm thì không bao giờ tìm thấy sự giải thoát thật sự. Cho nên, giới đức buông xả trần cấu “CẠO BỎ RÂU TÓC”, là một đức hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Chỉ có Phật giáo mới có đức hạnh xả thân cầu đạo này, còn tất cả các tôn giáo khác trên hành tinh đều không bao giờ có đức hạnh này cả.
Vậy mà, nhìn chung đức hạnh xa lìa trần cấu này trong các chùa lại có một số người lợi dụng hình tướng đức hạnh này để kinh doanh làm ra của cải tài sản, làm giàu.
GIỚI HẠNH XA LÌA TRẦN CẤU
“GIỚI HẠNH XA LÌA TRẦN CẤU” này thuộc về giới hạnh buông xả hình sắc tướng mạo thế gian. Cho nên những vị tu sĩ Phật giáo nào chấp nhận giới này thì mới trở thành người tu sĩ Phật giáo, còn không chấp giới hạnh này thì không thể nào thành Thánh Tăng, Thánh Ni được. Cho nên Tăng đều phải cạo bỏ râu tóc, còn Ni chỉ cạo bỏ tóc mà thôi. Nếu không giữ gìn hạnh cạo bỏ râu tóc này thì chỉ là một cư sĩ, dù đã giữ gìn tất cả các giới luật khác nghiêm chỉnh.
Hình dáng Thánh Tăng, Thánh Ni là hình dáng buông xả, “Xả thân cầu đạo”. Đó là cạo bỏ râu tóc. Cạo bỏ râu tóc là một hình dáng của những bậc Thánh buông xả trần cấu uế trược.
Người đời mê muội không biết ý nghĩa sâu xa của giới hạnh “CẠO BỎ RÂU TÓC”, buông xả thân để mưu cầu sự giải thoát; để ra khỏi cuộc đời đầy khổ đau và cay đắng. Một sự sai lầm rất lớn do vô minh không hiểu nghĩa giới hạnh “CẠO BỎ RÂU TÓC”, nên dùng tướng mạo cạo bỏ râu tóc của Phạm hạnh để lừa đảo, lường gạt người khác, thật là tội nghiệp cho những ai đã làm tội lỗi này mà không biết; để làm danh, làm lợi cho cá nhân; để hưởng dục lạc đầy đủ như người thế gian, thậm chí có người biến Phật giáo thành nghề nghiệp sống: nghề nghiệp thuyết giảng, nghề nghiệp tụng niệm cầu siêu, cầu an. Chính nghề nghiệp tụng niệm cầu siêu, cầu an là nghề mê tín lường gạt người. Nghề thuyết giảng là nghề nói dối. Đối với Phật giáo, hai nghề nghiệp này là nghề làm sai. Khi tu hành chưa xong đừng vì người thuyết giảng là không đúng, là sai, chỉ khi nào tu chứng mới dạy người tu, còn dạy người tu mà mình tu chưa chứng là nói dối. Người nói được mà chưa làm được, đó là người nói dối. Nói dối xấu lắm các bạn ạ! Các bạn giảng sư có biết không?
Lại cũng có những người mượn hình sắc cạo bỏ râu tóc biến Phật giáo trở thành một cái nghề mê tín như trên đã nói cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an, đốt tiền vàng mã, xem sao, bói quẻ, coi ngày giờ tốt xấu v.v.. Một cái nghề lường gạt người. Hành một cái nghề lừa đảo để sống như vậy các bạn có biết đó là một việc tội lỗi không? Tội nặng lắm các bạn ạ! Các bạn ấy thật đáng thương! Thật đáng thương!
Những người cạo bỏ râu tóc không lo tu hành để tìm sự giải thoát cho mình mà lại lấy hình tướng cạo bỏ râu tóc làm nghề nói dối và làm nghề mê tín. Trước mặt mọi người họ gọi các bạn bằng Thầy, nhưng các bạn có thấy mình xứng đáng là Thầy của người khác chưa? Các bạn có sống hơn họ chút nao đâu mà làm thầy của họ. Phải không các bạn?
Một bậc làm Thầy Trời, Người đâu phải dễ các bạn ạ! Các bạn nên xét lại: Phạm hạnh của bậc Thầy Trời, Người các bạn có sống được chưa?
Ăn uống, ngủ nghỉ phi thời, y áo sang cả, mặc toàn vải đắt tiền. Vả lại các bạn còn ở trong chùa to Phật lớn, giường rộng nệm êm. Cuộc sống như vậy các bạn thấy sao? Hình dáng, tướng mạo, cách sống của các bạn có xứng đáng làm Thầy Trời, Người được chưa? Trước mặt các bạn họ gọi là Thầy, nhưng sau lưng các bạn họ chê bai đủ điều, các bạn có biết không?
“Xoài cà lăm nhỏ trái mà chua
Thầy tu mê gái bỏ chùa không ai coi”
Hoặc:
     “ Thầy chùa ăn vụng cá kho
 Bà vãi bắt được đánh mo lên đầu”
Họ chê những điều các bạn đã vi phạm giới luật. Các bạn đừng tưởng họ không biết giới luật. Họ chê các bạn phạm giới như vậy là chê rất đúng các bạn ạ!.
Thà các bạn đừng đi tu mà đã đi tu tức là cạo bỏ râu tóc mà ở chùa sang đẹp như cung vàng điện ngọc, y áo thì chải chuốt bằng vải đắt tiền, thư hàng nhập hàng ngoại v.v.. Ăn uống ngủ nghỉ phi thời, xem ca hát và ca hát như người thế tục thì còn gì là Phật giáo nữa các bạn?
Ngay từ giới đầu tiên “CẠO BỎ RÂU TÓC” mà quý Thầy còn vi phạm tan nát thì các giới luật khác làm sao quý Thầy không vi phạm.
Thưa các bạn! Giới hạnh Sa Môn đầu tiên mà các bạn đã sống không đúng, đã vi phạm thì tất cả hạnh Sa Môn quả làm sao các bạn có được? Nếu hạnh Sa Môn quả không có được thì làm sao các bạn xứng đáng là người tu sĩ của Phật (Thánh Tăng, Thánh Ni). Có đúng như vậy không các bạn?
Bởi vì hạnh Sa Môn ở đâu thì quả Sa Môn ở đấy, đúng như trong kinh Sa Môn Quả mà đức Phật đã dạy: “- Bạch Thế Tôn: chúng con dám đâu xem họ là người nô bộc nữa, trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như: y áo đồ ăn khất thực, sàng toạ thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp”. Chỉ vì các bạn đã lìa hạnh Sa Môn nên đã làm mất giá trị của một người tu sĩ Phật giáo. Các bạn chỉ còn là một hình thức cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà thôi. Thật là đau xót cho Phật giáo “có tiếng chẳng có miếng”.
Những lời của vua A Xà Thế tuyên bố trên đây là đã xác định cụ thể rõ ràng: Do kết quả sống đúng Sa Môn hạnh hay là kết quả của nhóm giới luật thứ nhất mà người tu sĩ Phật giáo cần phải giữ gìn nghiêm túc... Nhờ đó mà mọi người cung kính, tôn trọng, quý mến v.v..
Do giới hạnh và kết quả đi đôi với nhau như vậy, nên đức Phật dạy: “pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy...”. Hạnh ở dâu là quả ở đó, hạnh làm cho kết quả ly dục ly ác pháp hiện tiền cụ thể, mà kết quả ly dục ly ác pháp hiện tiền cụ thể ở đâu thì đức hạnh phải được gắn liền với nó ở đó.
Hạnh và quả không thể chia làm hai pháp. Vì thế đức Phật dạy: “Giới luật ở đâu thì tri kiến ở đó. Tri kiến ở đâu thì giới luật ở đó. Giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh giới luật”.
Tóm lại, giới thứ nhất: cạo bỏ râu tóc là giới tướng của người tu sĩ Phật giáo, thể hiện rõ nét buông xả. Xả thân cầu đạo. Nhất là lời nói này được nhắc đi nhắc lại mãi để khuyên răn người tu sĩ Phật giáo chớ có buông lung chạy theo dục lạc thế gian làm hư hoại đức hạnh thanh tịnh thân tâm của mình và còn làm suy đồi Phật giáo, tội ấy rất nặng các bạn ạ!.
Sống phải giữ gìn sắc tướng của người tu sĩ Phật giáo, đừng làm ô uế sắc tướng ấy. Làm ô uế sắc tướng ấy là làm ô uế Phật giáo, đấy các bạn ạ!
Ví dụ 1: Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà các bạn vào quán lều bên vệ đường ngồi ăn uống như người thế tục thì còn gì là oai nghi tế hạnh giới hạnh cạo bỏ râu tóc. Phải không các bạn? Hay các bạn vào tiệm ăn hoặc nhà hàng khách sạn ăn uống ngủ nghỉ như người thế tục thì Phạm hạnh cạo bỏ râu tóc của các bạn còn đâu?
Ví dụ 2: Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà các bạn lái xe gắn máy chạy ào ào, vượt đèn xanh đèn đỏ thì còn gì giới hạnh cạo bỏ râu tóc nữa. Phải không các bạn?
Ví dụ 3: Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà các bạn hút thuốc lá, uống rượu, ca hát nhảy nhót, có khi hát vọng cổ sáu câu rất là mùi mẫn, đó là hành động phạm giới, phá giới tướng cạo bỏ râu tóc làm cho Phật Giáo suy đồi, làm cho Phật giáo mất gốc. Các bạn có biết không?
Ví dụ 4: Hình dáng cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà các bạn đi du ngoạn vào những khu ăn chơi của thế tục, những khu giải trí thế gian như Đầm Sen, Văn Thánh, Suối Tiên, Phong Nha, v.v.. như vậy còn gì Phạm hạnh cạo bỏ râu tóc của người tu sĩ Phật giáo. Phải không các bạn?
Cho nên cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa mà ngồi lều, ngồi quán ăn uống bên đường bên vỉa hè là không đúng tư cách của những người đệ tử Phật. Vậy các bạn phải từ bỏ, những hành động này, những hành động này đáng trách và đáng chê. Xin các bạn lưu ý, đó là những hành động làm suy đồi Phật giáo, là hành động phạm giới tướng quá nặng. Tội lỗi ấy không thể nào tránh khỏi khi thời tiết nhân duyên đến. Xin các bạn lưu ý cho những tội lỗi này.
Người tu sĩ Phật giáo phải biết đúng chỗ nào nên ăn, nên ngồi, nên nằm, nên đứng, nên ở, v.v.. còn ngược lại, phải biết đúng chỗ không nên ăn, không nên ngồi, không nên nằm, không nên đứng, không nên ở, v.v.. Đó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo cần phải sửa sai.
GIỚI HÀNH CẠO BỎ RÂU TÓC
Muốn giữ gìn “GIỚI HÀNH CẠO BỎ RÂU TÓC” thì người tu sĩ hằng ngày phải như lý tác ý: “Cạo bỏ râu tóc là một Thánh hạnh xa lìa mùi tục lụy thế gian, ta đã chấp nhận Thánh hạnh này, khi chấp nhận thì phải giữ gìn trọn vẹn để hình sắc đầu tròn áo vuông nêu cao ánh đuốc soi đường giải thoát cho mọi người đi và làm sáng tỏ nền đạo đức nhân bản – nhân quả giúp cho con người có một lối sống cao thượng, biến cảnh thế gian thành Cực Lạc, Thiên Đàng”.
Kính thưa các bạn! Các bạn nên nhớ thường xuyên nhắc nhở tâm mình bằng những câu tác ý này. Nhờ đó Phật giáo sẽ là nền đạo đức của loài người mãi mãi và mãi mãi.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment