Friday, July 19, 2013

BÀI HỌC THỨ 7: ĐỨA CON VÔ LƯƠNG TÂM

Khi toà tuyên án, bà cụ già run rẩy, gắng gượng đứng lên nhưng giường như không đủ sức chịu đựng nên đã ngồi phệt xuống nền gạch. Phiên toà kết thúc với bản án tuyên hủy án sơ thẩm vì sai thủ tục tố tụng. Bà ngồi mếu máo, lập bập hỏi luật sư “ông toà tuyên án như vậy là tôi thua hả luật sư...” gương mặt bà cụ nhăn nhúm, đau đớn hằng sâu thêm những vết chân chim ngang dọc của thời gian. Dù được luật sư giải thích cặn kẽ việc thua thắng chưa được toà án quyết, nhưng do thủ tục sai nên phải hủy để xử lại từ đầu thì bà vẫn thẫn thờ không sao hiểu được .
Nội dung chính của vụ kiện xuất phát từ tranh chấp đất mà bên tranh chấp và bị tranh chấp là hai mẹ con. Năm 1985, bà Năm chia đất cho các con. Những miếng đất gò, đất rẫy khô cằn chỉ thích hợp trồng điều chẳng thể níu chân các con ở lại lập nghiệp.
Chúng đã bán lại cho anh Thầy, người con trai cả của bà với giá 1,2 chỉ vàng. Phần đất vuông rất đẹp, khoảng một mẫu bà Năm còn giữ lại và kêu vợ chồng anh Thầy về xây nhà cùng sống chung. Vợ chồng Thầy tiếp tục khai hoang đất đai và mua thêm đất, đến lúc được khoảng vài mẫu thì đăng ký để cấp giấy tờ. Chính vì không có sự rạch ròi giữa phần đất nào được chia, phần đất nào mua thêm, vô tình anh Thầy này đã tạo nên những tranh chấp không đáng có về sau này.
Mở đường khu đất trở nên có giá trị khi có mặt tiền rộng hơn trăm mét ngang.
Khi người ta còn nghèo, còn lao động cật lực, khó khăn thì dường như ít tính toán hơn và bao dung hơn. Còn khi lợi ích vật chất buộc người ta tính toán thì sự ích kỷ tham lam biến con người trở nên khác đi .
Đứng trước toà người con trai và cô con dâu phủ nhận mảnh đất không phải là bà cụ cho, họ đã chăm lo nuôi dưỡng Bà cụ, tiêu tốn và chạy chữa thuốc thang khi bà bệnh tật, vậy bà còn đòi gì nữa bà cụ nấc nghẹn, đôi vai cứ rung bần bật. Vị chủ tọa cắt ngang lời vợ chồng Thầy bằng những lời khá gay gắt: “Ai đã nuôi anh khôn lớn để anh tính tháng kể ngày. Làm mẹ của anh …” và theo lẽ suy đoán của những người dự khán phiên toà, người mẹ đòi được phần đất của mình vì điều đó hợp với chứng lý và cả tình người.
Nhưng chỉ vì một sơ xuất trong thủ tục tố tụng nên bản án thúc phẩn phải tuyên hủy để xử lại từ đầu.
Toà tan bà cụ ngồi thẩn thờ bên hành lang toà án, đôi tay gầy guộc cong quắt như nhành cây lần mãi trong túi áo, giở mấy lớp ni lông gói kỹ càng lấy ra một tấm ảnh ố vàng trong ảnh là một người phụ nữ trẻ bên cạnh sáu đứa con quấn quít mẹ. Tấm ảnh của hơn 50 năm về trước đã ố vàng theo thời gian thay vì sự thay đổi của lòng người ? Người con trai đi ngang qua tíu tít dẫn vợ về giã vờ như không thấy mẹ già đang ngồi thẫn thờ với nỗi đau. Dẫu biết những khúc mắc của cuộc sống không thể kể hết được, nhưng là mẹ con sau tuyệt tình đến vậy. Phán quyết của toà án chỉ có thể phân định đúng sai về chứng lý, cân nhắc lợi ích của các bên nhưng luật là luật, đâu thể hàng gắng tình cảm con người. Luật sư của anh con trai dường như bất nhẫn trước cảnh tình bà cụ. Anh dìu bà cụ đứng dậy ra về . Thân già sáu bảy đứa con nhưng đến những năm cuối đời, thì hữu sự chẳng có đứa nào lo cho bà cụ vì ganh tỵ nhau. Giành giật với nhau phần của cải hưởng nhiều hưởng ít. Không biết họ có nghĩ tuổi già của họ có lúc sẽ nặng lòng hối tiếc về các hành xử hôm nay.
Lòng trĩu nặng hình ảnh bà cụ già, tôi bần thần trước sân pháp đình, nơi chứng kiến biết bao buồn đau, thống khổ của những phận người. Cùng tâm trạng dai dứt, người luật sư chia sẻ nỗi đồng cảm về tình cảnh bà cụ già. Anh hoàn thành trách nhiệm với thân chủ của mình nhưng lương tâm của một con người khiến anh sẽ thuyết phục để hai mẹ con họ hòa giải với nhau. miếng đất có thể nhỏ đi một chút, nhưng tình cảm sẽ vẹn toàn, sẽ nhân lên thì tốt đẹp biết bao. Và khi chúng tôi nhìn về ô cửa sổ phòng thẩm phán chủ toạ cũng bắt gặp một ánh mắt đăm, chiêu đang dõi theo bóng bà cụ liêu xiêu trong nắng chiều. Lòng tôi vẫn mong mẹ con họ sẽ hoà giải, sẽ vui vẽ đoàn tụ bên nhau để tháng ngày còn lại của bà cụ được sống thanh thản bên con cháu. Mong lắm thay!
(Báo Tuổi Trẻ) Anh Thư
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Nội dung chính của vụ kiện xuất phát từ tranh chấp đất mà bên tranh chấp và bị tranh chấp là hai mẹ con”. Câu này dạy đạo đức gì?
2- “Năm 1985, bà Năm chia đất cho các con, những miếng đất gò, đất rẫy khô cằn chỉ thích hợp trồng điều chẳng thể níu chân các con ở lại lập nghiệp. Chúng đã bán lại cho anh Thầy, người con trai cả của bà với giá 1,2 chỉ vàng. Phần đất vuông rất đẹp, khoảng một mẫu bà Năm còn giữ lại và kêu vợ chồng anh Thầy về xây nhà cùng sống chung. Vợ chồng Thầy tiếp tục khai hoang đất đai và mua thêm đất, đến l úc được khoảng vài mẫu thì đăng ký để cấp giấy tờ. Chính vì không có sự rạch ròi giữa phần đất nào được chia, phần đất nào mua thêm, vô tình anh Thầy này đã tạo nên những tranh chấp không đáng có về sau này.” Câu này dạy đạo đức gì?
3- “Mở đường khu đất trở nên có giá trị khi có mặt tiền rộng hơn trăm mét ngang. Khi người ta còn nghèo, còn lao động cật lực, khó khăn thì dường như ít tính toán hơn và bao dung hơn. Còn khi lợi ích vật chất buộc người ta tính toán thì sự ích kỷ tham lam biến con người trở nên khác đi ”. Câu này dạy đạo đức gì?
4- “Đứng trước toà người con trai và cô con dâu phủ nhận mảnh đất không phải là bà cụ cho, họ đã chăm lo nuôi dưỡng Bà cụ, tiêu tốn và chạy chữa thuốc thang khi bà bệnh tật, vậy bà còn đòi gì nữa bà cụ nấc nghẹn, đôi vai cứ rung bần bật”. Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Vị chủ tọa cắt ngang lời vợ chồng Thầy bằng những lời khá gay gắt: “Ai đã nuôi anh khôn lớn để anh tính tháng kể ngày. Làm mẹ của anh …” Và theo lẽ suy đoán của những người dự khán phiên toà, người mẹ đòi được phần đất của mình vì điều đó hợp với chứng lý và cả tình người, nhưng chỉ vì một sơ xuất trong thủ tục tố tụng nên bản án kết thúc phải tuyên hủy để xử lại từ đầu ” . Câu này dạy đạo đức gì?
6- “Toà tan bà cụ ngồi thẩn thờ bên hành lang toà án, đôi tay gầy guộc cong quắt như nhành cây lần mãi trong túi áo, giở mấy lớp ni long gói kỷ càng lấy ra một tấm ảnh ố vàng trong ảnh là một người phụ nữ trẻ bên cạnh sáu đứa con quấn quít mẹ. Tấm ảnh của hơn năm chục năm về trước đã ố vàng theo thời gian thay vì sự thay đổi của lòng người” Câu này dạy đạo đức gì?
7- “Người con trai đi ngang qua tíu tít dẫn vợ về, giã vờ như không thấy mẹ già đang ngồi thẫn thờ với nỗi đau. Dẫu biết những khúc mắc của cuộc sống không thể kể hết được, nhưng là mẹ con sau tuyệt tình đến vậy ”. Câu này dạy đạo đức gì?
8- “Phán quyết của toà án chỉ có thể phân định đúng sai về chứng lý, cân nhắc lợi ích của các bên nhưng luật là luật, đâu thể hàn gắn tình cảm con người ”. Câu này dạy đạo đức gì?
9- “Luật sư của anh con trai dường như bất nhẫn trước cảnh tình bà cụ. Anh dìu bà cụ đứng dậy ra về. Thân già sáu bảy đứa con nhưng đến những năm cuối đời, thì hữu sự chẳng có đứa nào lo cho bà cụ, vì ganh tỵ nhau, giành giật với nhau phần của cải hưởng nhiều, hưởng ít”. Câu này dạy đạo đức gì?
10- “Không biết họ có nghĩ tuổi già của họ có lúc sẽ nặng lòng hối tiếc về các hành xử hôm nay ”. Câu này dạy đạo đức gì?
11- “Lòng trĩu nặng hình ảnh bà cụ già , tôi bần thần trước sân pháp đình, nơi chứng kiến biết bao buồn đau, thống khổ của những phận người. Cùng tâm trạng dai dứt , người luật sư chia sẻ nỗi đồng cảm về tình cảnh bà cụ già. Anh hoàn thành trách nhiệm với thân chủ của mình nhưng lương tâm của một con người khiến anh sẽ thuyết phục để hai mẹ con họ hòa giải với nhau. miến g đất có thể nhỏ đi một chút, nhưng tình cảm sẽ vẹn toàn, sẽ nhân lên thì tốt đẹp biết bao ”. Câu này dạy đạo đức gì?
12- “Và khi chúng tôi nhìn về ô cửa sổ phòng thẩm phán chủ tọa cũng bắt gặp một ánh mắt đăm chiêu đang dõi theo bóng bà cụ liêu xiêu trong nắng chiều. Lòng tôi vẫn mong mẹ con họ sẽ hoà giải, sẽ vui vẽ đoàn tụ bên nhau để tháng ngày còn lại của bà cụ được sống thanh thản bên con cháu. Mong lắm thay ”! Câu này dạy đạo đức gì?
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI
1- “Nội dung chính của vụ kiện xuất phát từ tranh chấp đất mà bên tranh chấp và bị tranh chấp là hai mẹ con”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU THẢO HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Tất cả mọi sự tranh chấp thưa kiện với nhau trong cuộc đời này đều xuất phát từ lòng tham lam. Muốn diệt trừ được lòng tham lam thì phải học đạo đức ly tham.
Lòng tham lam là một ác pháp ghê gớm, nó thường sai khiến mọi người làm những điều bất trung, bất nghĩa, bất hiếu. Câu chuyện trên đây do lòng tham lam mà mẹ con kiện tụng tranh giành đất đai với nhau thật là đau lòng. Lòng tham lam đã đánh mất đức hiếu thảo của con người.
Lòng tham lam nó còn sai khiến và biến con người trở thành những kẻ gian tham trộm cắp cướp giựt của cải tài sản và giết người. Bởi vậy lòng tham ghê gớm thật, từ con người hiền lương, chân chất, thật thà không tham lam, nó biến dần con người trở thành những người gian ác, hung dữ, xấu xa, hẹp hòi, ti tiện, ích kỷ, nhỏ mọn, lừa đảo, lường gạt, gian xảo, móc túi, trộm cắp cướp giựt, ăn lo, hối lộ.
Lòng tham có nhiều hành động rất vi tế, nếu một người có quyết tâm muốn diệt trừ lòng tham lam mà không chịu khó tập luyện tĩnh giác từng hành động thân, miệng, ý của chính mình thì rất khó mà hàng phục và diệt trừ được nó.
Điều thứ nhất: Chúng ta nên lưu ý từng hành động ăn uống. Chính ăn uống là một đối tượng sinh ra lòng tham lam nhiều nhất, bởi chúng thể hiện lòng tham từ nơi đây rất rõ, nếu nó còn thích ăn một món ăn ngon nào để thích khẩu, là nó đã có lòng tham ở nơi đó, nếu nó còn thích ăn món này ngon, chê món kia ăn dỡ; ăn món này bổ, chê món kia không bổ, đó là chúng ta phải biết chính là lòng tham lam xuất hiện.
Điều thứ hai: Chúng ta nên lưu ý từng hành động thân tâm hằng ngày, nếu thấy thân tâm còn lười biếng thích ngủ, thích nằm dật dờ hay thường bị hôn trầm thùy miên là chúng ta biết ngay mình còn tâm tham lam chưa hết, nói cho dễ hiểu và rõ ràng: người nào còn thích ngủ là người đó tâm còn lòng tham lam.
Điều thứ ba: Nếu chúng ta còn thích vui chơi đi nói chuyện này chuyện khác, thường tranh luận hơn thua với người này người kia là chúng ta biết ngay mình còn lòng tham lam.
Điều thứ tư: Nếu chúng ta còn thích khoe khoang điều này, điều khác thì đó là chúng ta biết ngay mình còn lòng tham lam. Bởi vậy lòng tham lam rất vi tế chúng ta cần phải cảnh giác, nếu thiếu cảnh giác lòng tham lam sẽ qua mặt chúng ta một cách dễ dàng. Khi bị qua mặt chúng ta cứ ngỡ tưởng rằng tâm mình không còn tham lam, nhưng kỳ thật tâm chúng ta vẫn còn tham, sân, si, mạn, nghi đầy đủ, nó chỉ khéo ẩn núp và thể hiện một cách vi tế để đánh lạc hướng nhận xét của chúng ta.
Trên bước đường tu tập, nếu chúng ta thấy Tứ Thần Túc và Tam Minh chưa xuất hiện là lòng tham, sân, si, mạn, nghi vi tế vẫn còn thì ngay đó phải ôm cho thật chặt pháp Tứ Niệm Xứ để truy quét lần cuối cùng những tên giặc tham, sân, si, mạn, nghi.
2- “Năm 1985, bà Năm chia đất cho các con, những miếng đất gò, đất rẫy khô cằn chỉ thích hợp trồng điều chẳng thể níu chân các con ở lại lập nghiệp. Chúng đã bán lại cho anh Thầy, người con trai cả của bà với giá 1,2 chỉ vàng. Phần đất vuông rất đẹp nhất khoảng một mẫu, bà Năm còn giữ lại và kêu vợ chồng anh Thầy về xây nhà cùng sống chung. Vợ chồng Thầy tiếp tục khai hoang đất đai và mua thêm đất, đến lúc được khoảng vài mẫu thì đăng ký để cấp giấy tờ. Chính vì không có sự rạch ròi giữa phần đất nào được chia, phần đất nào mua thêm, vô tình anh Thầy này đã tạo nên những tranh chấp không đáng có về sau này.” Câu này dạy THIẾU ĐỨC PHÂN MINH LY THAM THÂN HÀNH.
Đất đai thường xảy ra tranh tụng, nhất là những người thân trong gia đình là do sự phân chia của cha mẹ không đồng đều đứa nhiều, đứa ít, nên khiến cho cha mẹ, anh em chia lìa ly tán.
Đất đai, ruộng vườn nhà cửa là những vật chất có thể xảy kiện thưa tranh chấp, nó là những pháp phát sinh lòng tham lam của con người. Cho nên người tu sĩ theo Phật giáo, phải chấp hành nghiêm chỉnh giới luật buông xả như: Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không nhà cửa, không gia đình, thiểu dục tri túc, ba y một bát, tâm hồn phóng khoáng như hư không trắng bạch như vỏ ốc, hằng ngày đi xin ăn, không còn mang theo một vật nào cả. Người tu sĩ nào sống chấp hành giới luật nghiêm chỉnh thì lòng tham lam không còn đất đứng. Lòng tham bị triệt tiêu từ ngay lúc bắt đầu xuất gia. Những giới luật đó là phương pháp ly tham, là những đức hạnh ly tham.
Lòng tham của con người càng lớn là do của cải đất đai nhà cửa ruộng vườn lên giá mà mọi người gọi là “cơn sốt đất”.
Báo chí thường đăng tin tức xảy ra những nạn cướp của giết người là do lòng tham lam. Con người không được học đạo đức ly tham, nên lòng tham càng tăng theo vật chất của cải tiền bạc, vì thế tệ nạn xã hội lại còn gia tăng nhiều hơn, có tiền nhiều thì ăn chơi hút xách, bài bạc càng nhiều. Do ăn chơi hút xách, bài bạc càng nhiều thì trộm cắp cướp giựt giết người gây ra án mạng càng nhiều.
Trong giai đoạn Đất nước đang mở cửa để xây dựng nền kinh tế khoa học kỹ nghệ phát triển hiện đại, để người dân có công ăn việc làm, nhờ đó mới làm giàu cho Đất nước, nhưng không khéo Đất nước lại đón nhận những dòng tư tưởng văn hóa đồi trụy thiếu đạo đức, dễ sinh ảnh hưởng đến tuổi trẻ thanh thiếu niên và thanh niên nam nữ. Những mầm non tương lai của Tổ quốc bị băng hoại. Cho nên muốn tránh những tệ nạn xã hội thì phải có những biện pháp đối trị, nhưng biện pháp đối trị tốt nhất là bắt buộc mọi người dân trong nước phải đi học đạo đức ly tham. Chương trình học đạo đức ly tham phải đưa vào nền giáo dục từ Tiểu học, Trung học và Đại học. Nhất tuổi thanh thiếu niên và thanh niên nam nữ cần phải quan tâm giáo dục đạo đức ly tham ở những lứa tuổi này.
Mọi sự xảy ra đau khổ trên cuộc đời này đều do lòng tham lam, nếu tâm không tham lam thì không bao giờ có sân hận, nghi ngờ, cho nên tham lam là gốc của sân hận; nếu không có lòng tham lam thì không bao giờ có tâm si mê tham ăn, tham ngủ thân tâm con người thường tĩnh thức sáng suốt, minh mẫn v.v... Cho nên tâm si mê là gốc của tham lam; nếu không có tâm tham lam thì không bao giờ có tâm cống cao, ngã mạn kiêu căng. Tâm cống cao, ngã mạn, kiêu căng có là do chính lòng tham lam; nếu không có lòng tham lam thì không bao giờ có tâm nghi ngờ, vì chính tâm nghi có là do gốc từ tâm tham lam.
Bởi vậy khi nói đến mọi sự đau khổ xảy ra trên đời này đều do thủ phạm là lòng tham lam không đáy của con người. Biết tận gốc nó như vậy thì chúng ta phải mở một mặt trận truy quét tất cả lòng tham muốn bằng phương pháp Tứ Niệm Xứ, bằng chương trình giáo dục đào tạo đạo đức lớp NGŨ GIỚI. Lấy giới đức ly tham diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Quân đoàn Tứ Niệm Xứ và quân đoàn giới luật đức hạnh của Tam Quy, Ngũ Giới này phối hợp mở chiến dịch truy quét năm đội quân giặc sinh tử luân hồi. Đó là năm đội thủy quân lục chiến tinh nhuệ của giặc sinh tử là tham, sân, si, mạn, nghi.
3- “Mở đường khu đất trở nên có giá trị khi có mặt tiền rộng hơn trăm mét ngang. Khi người ta còn nghèo, còn lao động cật lực, khó khăn thì dường như ít tính toán hơn và bao dung hơn. Còn khi lợi ích vật chất buộc người ta tính toán thì sự ích kỷ tham lam biến con người trở nên khác đi”. Câu này dạy VẬT CHẤT, TIỀN BẠC, CỦA CẢI, ĐẤT ĐAI LÀ ĐỐI TưỢNG LÀM MẤT ĐỨC LY THAM.
Nguyên nhân sinh ra tâm tham lam là vật chất, tiền bạc, của cải, tài sản, đất đai, ruộng vườn v.v…Từ lòng tham lam ấy mới sinh ra trộm cắp, cướp của, giết người.
Muốn cho trộm cắp, cướp của, giết người không xảy ra thì của cải vật chất phải đừng dính mắc. Muốn của cải vật chất đừng dính mắc thì mọi người phải đi học lớp Chánh Tri Kiến, nhờ có học lớp Chánh tri kiến thì mới có sự hiểu biết tất cả vật chất, của cải, tài sản đều là các pháp vô thường, nhưng các pháp vô thường thì nay còn mai mất như bóng câu cửa sổ, như mây nổi giữa trời, như nước chảy qua cầu, như hoa phù dung sớm nở tối tàn. Tất cả những vật chất đó không có loại nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tất cả các pháp đều do nhân duyên hợp mà thành, cho nên chúng có hợp thành thì ắt phải có tan hoại, vì thế không có vật chất pháp nào là thường còn, bất biến, bất di, bất dịch.
Khi học hiểu biết rõ các pháp vật chất vô thường như vậy thì lòng tham lam sẽ bị diệt trừ. Lòng tham lam sẽ bị diệt trừ tức đó là đức LY THAM. Đức ly tham có thì tâm mới được thanh thản, an lạc và vô sự.
Đức LY THAM lúc nào cũng dùng tri kiến sáng suốt để nhìn thấu tận gốc của các pháp, vì thế không có pháp nào qua mắt được đức LY THAM.
Đức LY THAM soi rọi tới đâu thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi rệu rã đến đó. Cho nên muốn tu tập và rèn luyện đức LY THAM thì phải học hiểu về đạo đức NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ; phải học hiểu về đạo đức HIẾU SINH; phải học hiểu về đạo đức CHUNG THỦY; phải học hiểu về đạo đức THÀNH THẬT; phải học hiểu về đạo đức MINH MẪN.
Muốn học hiểu các đức hạnh này thì phải đến chùa Am, tu viện Chơn Như tại ấp Gia Lâm, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nơi đó là nơi trùng tu lại Chánh pháp của đạo Phật; nơi đó mới đủ sức gạt bỏ những tà pháp ngoại đạo đang tìm cách diệt trừ Chánh pháp Nguyên thủy của Phật giáo; nơi đó mới dựng lại nền đạo đức nhân bản – nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai; nơi đó mới giúp con người có phương pháp tu hành làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Tóm lại con người muốn lìa tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình thì phải tu tập và rèn luyện đức ly tham, khi nào đức ly tham hiện tiền trong các thân hành , khẩu hành và ý hành thì tâm tham, sân, si, mạn, nghi sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn. Muốn được vậy thì phải tu tập tâm tĩnh giác, thường tĩnh giác để quán xét từng giây, từng phút của ý hành, thân hành, khẩu hành, khi chúng bắt đầu khởi niệm tham lam thì diệt ngay liền và hành động thực hành diệt ngay liền, đó là xử dụng ĐỨC LY THAM trên Tứ Niệm Xứ
4- “Đứng trước toà người con trai và cô con dâu phủ nhận mảnh đất không phải là bà cụ cho, họ đã chăm lo nuôi dưỡng bà cụ, tiêu tốn và chạy chữa thuốc thang khi bà bệnh tật, vậy bà còn đòi gì nữa. Bà cụ nấc nghẹn, đôi vai cứ rung bần bật”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU HẠNH HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Người xưa nói: “Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Đứng trước tòa án, trước mọi người, người con trai cả và con dâu phủ nhận mảnh đất không phải là bà cụ cho, họ đã chăm lo nuôi dưỡng bà cụ, tiêu tốn và chạy chữa thuốc thang khi bà bệnh tật, vậy bà còn đòi gì nữa. Cậu con trai cả đối xử với cha mẹ như vậy thì còn gì để nói. Phải không quý vị? Một đứa con bất hiếu không thể tha thứ được, nói lời với mẹ như vậy là quá tàn nhẫn, là quá độc ác, giết mẹ bằng lời nói vong ơn bội nghĩa sinh thành dưỡng dục, nhờ ai nuôi dưỡng mà được khôn lớn như thế này? Làm con nuôi dưỡng cha mẹ chỉ một hai ngày có thắm vào đâu mà kể công lao thì thật là quá đau lòng.
Đạo đức đã xuống cấp lòng hiếu thảo của con người như ngày xưa đã không còn nữa. Cho nên báo chí thường đăng tin tức con đánh cha gảy tay, vì nhậu say xỉn. Anh em tranh nhau vì của cải, tài sản, anh giết em và giết luôn cả cha lẫn mẹ. Ôi! Lòng tham của con người thật là ghê gớm, chỉ biết tiền của, vật chất, đất đai, ruộng vườn, nào còn biết tình người, tình làng nghĩa xóm là gì. Tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa anh em ruột thịt. Lòng hiếu thảo thương cha, thương mẹ, nhớ ơn nghĩa sâu dày dưỡng dục của cha mẹ, chịu biết bao nhiêu công lao khó nhọc nuôi con khôn lớn. Thế mà con cái bây giờ còn xem cha mẹ ra gì.
Thời đại này đã báo động đạo đức con người cần phải chỉnh đốn lại. Vì thế, những sách dạy đạo đức, công dân giáo dục từ cấp Tiểu học, Trung học và Đại học cần phải sửa đổi cho phù hợp với thời đại khoa học kỹ nghệ hiện đại hóa công nghiệp, thì mới mong những tệ nạn xã hội chấm dứt.
Nhìn thấy tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Có một số trí thức đã viết và góp nhặt những câu chuyện đạo đức từ Đông sang Tây biên soạn lại thành sách để phổ biến rộng rãi cho mọi người với mục đích là ngăn chặn những hành động vô đạo đức, xây dựng con người tốt, nhưng những sách này viết rất nhiều mà không đi sâu vào những sự thực hành rèn luyện nhân cách con người. Sách chỉ có nhắc nhở chung chung, nói lên những gương hạnh hy sinh cao cả cứu người, chứ không đi vào những chi tiết hướng dẫn cụ thể để mọi người có phương pháp áp dụng thực hành vào cuộc sống, phần nhiều là lý thuyết dạy theo kiểu học từ chương như các sách dạy đạo đức xưa nay.
Đó cũng là một việc làm tốt, mục đích là xây dựng xã hội đạo đức, nhưng việc làm này chỉ là những gương hiếu thảo đạo đức trong kinh sách, sử truyện Đông Tây như sách Thập Nhị Tứ Hiếu, Đạo Đức kinh, kinh Lễ, (Nho giáo), kinh thọ Tam quy, kinh thọ Ngũ Giới, kinh thọ Bát Quan Trai Giới, kinh Thập Thiện, kinh Nhân Quả ba đời v.v…(Phật giáo). Những loại kinh sách dạy làm những điều thiện như vậy, nhưng có mấy ai đã sống theo và làm đúng những lời dạy đạo đức này. Bởi sách này dạy lý thuyết không có phương pháp thực hành như trên đã nói.
Sách dạy đạo đức mà chỉ lý thuyết suông thì người muốn học đạo đức cũng không biết làm sao áp dụng vào đời sống của mình được. Đọc nghe thì hay nhưng sống bằng cách nào cho được như vậy thì không có phương pháp. Ngày xưa người ta sống được với những lý thuyết đạo đức này là vì những vật chất cám dỗ lôi cuốn vào dòng tội lỗi rất ít, gần như không có, còn bây giờ khoa học kỹ nghệ tiến bộ sản xuất ra nhiều vật chất phục vụ dục lạc của con người lên quá cao. Vả lại giới nữ chịu ảnh hưởng Tây phương ăn mặc hở han khêu gợi sắc dục. Do đó tâm dục càng tăng thì tội ác càng nhiều, lòng tham lam dẫy đầy, con người mất hết đạo đức, tệ nạn xã hội tràn lan, biến con người trở thành những ác thú, người giết người không gớm tay. Một chỉ vàng, một vài trăm bạc là có thể giết người. Móc túi, giựt xách người ở các đô thị, thành phố, thị xã, thị trấn và nơi chợ búa đông đúc thường xảy ra trộm cắp, cướp của giết người như ăn cơm bữa.
Muốn sự sống con người được bình an thì đạo đức phải được áp dụng triệt để vào đời sống của con người, nhất là để ngăn chặn và hạn chế những lòng tham muốn dục lạc tối đa thì mới quân bình được những vật chất khoa học sản xuất.
Viết sách đạo đức, các nhà đạo đức hãy thay đổi cách tư duy, đừng theo lối mòn cũ mà phải phát triển theo lối tư duy mới.
Thời đại khoa học đã đưa mức sống vật chất con người tiến quá xa, thế mà sách đạo đức của các nhà đạo đức viết lại lùi ở thời đại LỤC QUỐC bên Trung Hoa, Khổng Tử, Mạnh Tử. Sách dạy đạo đức như vậy, chẳng khác nào như đọc những chuyện thần tiên thì đạo đức ấy sẽ đi về đâu? Sách dạy đạo đức hiện tại các nhà đạo đức viết giống như những bà già kể chuyện đời xưa để ru cho các cháu đi vào giấc ngủ an lành, chứ giải quyết xã hội có được những gì? Lại còn làm hao tốn tiền của độc giả. Sách đạo đức mà đem bán thì còn có nghĩa gì đạo đức? Vậy các nhà đạo đức hãy suy ngẫm lại xem có đúng không? Cho nên sách đạo đức thì số lượng rất lớn bán khắp nơi, nhưng đạo đức là đạo đức còn con người là con người. Hằng ngày tệ nạn xã hội càng gia tăng, cảnh gian xảo lừa đảo, gian tham, lường lận trộm cắp cướp của giết người thường xảy ra khắp nơi trong nước. Đó là những hiện tượng sách đạo đức của các nhà đạo đức chưa đủ sức tác dụng vào con người.
Vật chất càng nhiều thì lòng tham lam càng cao. Lòng tham lam càng cao thì đạo đức càng kém; đạo đức càng kém thì con người trở nên hung ác, dữ tợn; con người trở nên hung thần ác bá thì xã hội bất an. Xã hội bất an thì chiến tranh thế giới không bao giờ chấm dứt.
Muốn chấm dứt mọi sự đau khổ trên hành tinh này thì chỉ có nền đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Nếu con người biết triển khai và áp dụng giáo dục đạo đức này triệt để vào đời sống con người thì thế giới sẽ hòa bình, chiến tranh sẽ chấm dứt.
Chúng tôi chỉ ngại tuổi già sức yếu của mình chưa làm xong bộ sách đạo đức, vì bộ sách đạo đức còn quá nhiều, sợ rằng các pháp vô thường, duyên chúng sinh chưa đủ nên đành phải ra đi thì rất tội nghiệp cho loài người. Loài người sẽ không biết đạo đức nhân bản - nhân quả này, không biết đạo đức nhân bản - nhân quả này thì lấy đâu mà học tập và rèn luyên nhân cách.
Tuy biết vậy, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để trước khi ra đi, vĩnh biệt loài người. Bộ sách đạo đức đã hoàn thành, thì đó là một chút quà của lòng yêu thương, chúng tôi gửi lại cho người đời sau.
5- “Vị chủ tọa cắt ngang lời vợ chồng Thầy bằng những lời khá gay gắt: “Ai đã nuôi anh khôn lớn để anh tính tháng kể ngày. Làm mẹ của anh …” Và theo lẽ suy đoán của những người dự khán phiên toà, người mẹ đòi được phần đất của mình vì điều đó hợp với chứng lý và cả tình người, nhưng chỉ vì một sơ xuất trong thủ tục tố tụng nên bản án kết thúc phải tuyên hủy để xử lại từ đầu”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU THẢO HIẾU SINH KHẨU HÀNH.
Công lao của cha mẹ mang nặng đẻ đau nuôi con lớn khôn biết bao nhiêu, kể sao cho hết, thế mà của cải cha mẹ cho còn đó vội lật lọng để ăn cho gọn một mình, lại còn kể công nuôi dưỡng cha mẹ trước mặt mọi người, giữa pháp đình, thì thật là xấu hổ vô cùng. Khi nói ra những lời trên đây, người hiểu thảo biết thương cha mẹ, có ai khen bao giờ. Vậy mà người con trai lại xem thường.
Hỡi những người con tội lỗi! Nếu chỉ một lần xúc phạm đến mẹ cha, hãy xin sám hối từ bỏ, đừng bao giờ tái phạm nữa; đừng bao giờ có những hành động, lời nói vong ơn đến với những người có công lao như trời biển. Họ dù ngu dốt, khờ dại, ít học, nông dân, hốt rác, buôn gánh bán bưng, làm vú em, làm mướn cho mọi người và làm tất cả mọi nghề nghiệp khác như thế nào, thì họ cũng là cha mẹ sinh ra mình. Mình không nên có những lời nặng nhẹ chửi mắng họ; có những lời nặng nhẹ với họ thì không phải là con người, không phải là đạo làm con. Con thú vật còn biết thương mẹ thương cha, huống là con người.
Đối với những bậc này phải tôn trọng và cung kính, vì họ là những bậc sinh thành dưỡng dục chúng ta. Cho nên phải dùng những lời nói nhỏ nhẹ, ái ngữ, êm dịu ; phải dùng những hành động cung kính, tôn trọng; phải có ý thức khi đối với họ, không được làm cho họ buồn phiền, đau khổ, lúc nào cũng nên làm vui lòng và an ủi họ khi tuổi về già, sức yếu.
Thấy cha mẹ già yếu, ít học, nghèo khổ. Con cái làm nên sự nghiệp ăn trên, ngồi trước, giàu có như thiên hạ, thì không ỷ quyền thế dùng những lời nói thô lổ cộc cằn với cha mẹ. Những hành động như vậy không phải là đạo làm con. Dù cha mẹ mình tuổi tác cao, có lẫn lộn, cau có hay giận hờn như thế nào thì cũng phải thương yêu cha mẹ, không được tức giận người. Hãy giúp đỡ cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu, không được dùng những lời chửi mắng nặng nhẹ cha mẹ, luôn luôn dùng lời tôn kính, ngọt ngào, nhẹ nhàng, êm ái, với cha mẹ.
Trước khi muốn nói với cha mẹ một điều gì thì phải: “Thưa ba! Thưa má!” rồi mới nói chứ không được nói với cha mẹ như nói với những người ngang hàng của mình như bạn bè.
Nói chuyện với người lớn tuổi ngang với cha mẹ mình cũng đều phải tỏ vẻ cung kính trong lời nói như: “Thưa Bác! Thưa Chú! Thưa Cô ! Thưa Dì!”. Đó là những danh từ xưng hô có lể độ mà một người có đạo đức không thể nào thiếu được.
Thường chúng tôi nghe con cái nói chuyện với cha mẹ rất vô phép, thiếu lễ độ, nói chuyện với cha mẹ như nói với bạn bè trang lứa. Có nhiều đứa con mắng chửi cha mẹ như tát nước, xem cha mẹ chẳng ra gì, có những đứa con ngang bướng phách lối còn lấy gậy gọc đánh cha mẹ gảy tay, gảy chân; còn lấy rựa dao chém cha mẹ chẳng còn chút tình nghĩa gì cả.
Thấy chuyện gia đình mẹ con kiện thưa bất bình và lời nói bất hiếu của đứa con.
Vị chủ tọa Toà án cắt ngang lời vợ chồng Thầy bằng những lời khá gay gắt: “Ai đã nuôi anh khôn lớn để anh tính tháng kể ngày. Làm mẹ của anh…” Trong xã hội này không ai chấp nhận những đứa con bất hiếu; những đứa con nghịch tử, thế mà vẫn còn tồn tại những con người thiếu đạo đức hiếu hạnh này. Thỉnh thoảng lại xảy ra những đứa con bất hiếu đánh cha, mắng mẹ vì của cải tài sản tranh giành thưa kiện, khiến cho nát cửa tan nhà tình nghĩa mẹ con không còn. Thật là đau lòng.
Tóm lại từ lòng tham lam đã biến những đứa con thân yêu trở thành những đứa con bất hiếu; vì lòng tham lam đã biến con người trở thành những con thú hung ác giết người không gớm tay. Cho nên đạo đức ly tham trong lúc này rất cần phải được triển khai đúng mức để đem lại sự bình an cho con người trên hành tinh này. Xin các nhà đạo đức hãy quan tâm vì cá nhân, gia đình, xã hội và loài người trên hành tinh này ra công biên soạn sách đạo đức cho phù hợp với thời đại .
6- “Toà tan bà cụ ngồi thẩn thờ bên hành lang toà án, đôi tay gầy guộc cong quắt như nhành cây lần mãi trong túi áo, giở mấy lớp ni long gói kỹ càng lấy ra một tấm ảnh ố vàng trong ảnh là một người phụ nữ trẻ bên cạnh sáu đứa con quấn quít mẹ. Tấm ảnh của hơn năm chục năm về trước đã ố vàng theo thời gian, thay vì sự thay đổi của lòng người” Câu này dạy “ĐỨC KỶ NIỆM HIẾU SINH Ý HÀNH”.
Thấy con trai đối xử với mình rất tồi tệ, nhưng lòng mẹ vẫn thương con, nhưng nào các con có biết, bà lấy tấm ảnh cũ nhìn lại sáu đứa con quây quần bên mẹ, nhưng ngày nay đâu còn nữa. Ôi! Đau đớn thay! Còn gì tình nghĩa mẹ con nữa đâu. Đứa con cả chỉ còn biết đất đai, nhà cửa chứ đâu còn biết mẹ nữa, thật là đau lòng xót dạ vô cùng.
Biết nói với ai? Biết than thở với ai? Nói ra người ta sẽ cho mình làm cha mẹ ăn ở thất đức, nên con cái mới đối xử như vậy, thật là bạc phước, chứ có ai khen đâu? Nhân quả kiếp trước không biết mình có làm gì nên tội mà kiếp này phải gánh chịu một cách đau buồn đứt ruột.
Người con không hiếu thảo với cha mẹ là người con ngỗ nghịch, người con ngỗ nghịch là người không bao giờ biết thương ai cả. Cho nên những người này đừng chơi thân với họ, họ sẽ nói xấu mình, họ sẽ hại mình. Người bất hiếu là người bất trung, người bất trung là người không có tình nghĩa thủy chung với ai cả.
Tóm lại người đối xử với cha mẹ không ra gì là người không tốt, chúng ta cần phải tránh xa những hạng người này, vì cha mẹ họ, họ còn không thương huống là những người khác như chúng ta.
7- “Người con trai đi ngang qua tíu tít dẫn vợ về, giã vờ như không thấy mẹ già đang ngồi thẫn thờ với nỗi đau. Dẫu biết những khúc mắc của cuộc sống không thể kể hết được, nhưng là mẹ con sau tuyệt tình đến vậy”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU THẢO HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Người con bất hiếu chỉ biết của cải, ruộng vườn, đất đai, chứ nào biết đến mẹ thật là một điều tồi tệ đáng trách. “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” câu này nay còn đâu nữa! Câu ca dao tục ngữ của ông cha chúng ta để lại thường nhắc nhở con cháu, thế mà con cháu lại quên đi thật là đáng tiếc!
Như chúng ta đã học đức hiếu sinh. Vậy đức hiếu sinh đầu tiên là đức hiếu sinh gì? Quý vị có biết không? Đức hiếu sinh đầu tiên của con người là lòng yêu thương cha mẹ, lòng thương yêu cha mẹ là đức hiếu thảo. Người đầu tiên mà chúng ta đặt lòng yêu thương, đó là người mẹ. Có đúng như vậy không quý vị? Vậy mà người con vẫn thản nhiên đi ngang qua người mẹ không một lời an ủi trong khi người mẹ đang khổ đau tận cùng.
Cho nên, người nào không có đức hiếu thảo thì người ấy không có lòng yêu thương ai cả. Người không có đức hiếu thảo là không có đức hiếu sinh, họ là những người nô lệ cho dục vọng: Danh, lợi, sắc, thực, thùy, luôn luôn bị dục vọng sai khiến.
Đức hiếu thảo rất quan trọng cho đời sống của con người. Từ tình thương yêu cha mẹ, người ta mới biết yêu thương sự sống của những người khác, nhờ thương yêu sự sống của những người khác thì mới thương yêu chính mình, nhờ có thương yêu mình tâm chúng ta mới ly dục ly ác pháp, nhờ có ly dục ly ác pháp thì tâm mới lìa xa tham, sân, si, mạn, nghi; tâm có lìa xa tham, sân, si, mạn, nghi thì đó là đức ly tham. Người có đức ly tham thì không còn lấy của không cho. Vì vậy trên thế gian này mọi người đều sống với đức ly tham thì không còn có tệ nạn móc túi, trộm cắp, cướp của giết người.
Nếu đức ly tham ngự trị trong lòng của mọi người thì không còn sự tranh chấp đất đai, của cải, tài sản hơn thua; thì không còn cảnh con cái thưa kiện cha mẹ chia của cải tài sản nhiều ít; thì không còn có những cảnh đau lòng kiện thưa cha mẹ, anh em giết nhau; thì không còn có cảnh cướp của giết người, giựt xe cộ tiền bạc dọc đường.
Vì của cải, tiền bạc con cái đâu còn biết công ơn của cha mẹ . Trong xã hội chỉ có một số người đã làm gương xấu bất hiếu xảy ra, đó cũng là một sự báo động cho mọi người biết đạo đức đang xuống cấp, cần phải lưu ý và chỉnh đốn lại nền đạo đức.
Luật nhân quả không sai, cha mẹ không thương con cái, nỡ tâm nạo móc hoặc sinh ra rồi đem ném bỏ con mình như một món đồ phế thải. Vì thế nhân quả nghiệp báo con cái cũng chẳng vừa, kiện thưa cha mẹ hoặc đánh đập hoặc giết cha mẹ không một chút lòng thương xót. Đúng là nhân quả nghiệp báo phải trả vay. Cha mẹ nỡ tâm giết con cái thì con cái cũng nỡ tâm giết lại cha mẹ. Xem thế quý vị hãy lấy những hình ảnh nhân quả trả vay mà giữ mình. Những sự việc xảy ra rất đau lòng mà báo chí thường đăng tin tức đã xảy ra trong nước.
Tóm lại mọi người phải cố gắng học tập đạo đức hiếu sinh và đức ly tham thì nhân quả không còn tác động vào thân tâm. Và vì vậy các ác pháp tham, sân, si, mạn, nghi sẽ bị triệt tiêu thì tệ nạn xã hội trộm cắp cướp giựt sẽ không còn nữa.
8- “Phán quyết của toà án chỉ có thể phân định đúng sai về chứng lý, cân nhắc lợi ích của các bên nhưng luật là luật, đâu thể hàn gắn tình cảm con người”. Câu này dạy CHỈ CÓ ĐỨC LY THAM LÀ TRÊN HẾT.
Chỉ có đức ly tham thì mới có lòng thương yêu nhau chân thật, ngoài đức ly tham mà đi tìm lòng yêu thương thì không bao giờ có. Cho nên mọi người cần phải tu học và rèn luyện đức ly tham.
Muốn rèn luyện tu học đức ly tham thì phải có sự tư duy quán xét từ thân tâm đến vật chất của cải tài sản ruộng đất vườn tược.Tất cả thân tâm và vật chất đang xung quanh mình có cái nào là của mình không? Của mình sao không giữ gìn được? Quý vị hãy xem tất cả các pháp như vừa nói trên đây có pháp nào là của quý vị? Hãy nhìn những nghĩa địa có biết bao nhiêu người đã chết, thân xác chôn vùi dưới lòng đất, có người nào đã mang theo được những gì? Hay chỉ mang theo một nắm đất hôi thối, một nắm xương tàn vụn vặt. Khi chết rồi còn có những gì nữa đâu phải không quý vị? Mạng sống của con người có bao lâu, thế mà không biết giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự, cứ mãi để tâm tham đắm dính mắt những vật chất thế gian, khiến cho tâm hồn càng khổ đau lại càng khổ đau hơn. Cuộc sống như vậy cho đến khi xuôi tay lìa đời chẳng có phút giây nào thanh thản, an lạc và yêu vui.
Sống vì vật chất, tiền tài, danh lợi là sống khổ, chúng ta hãy từ bỏ đi. Nếu biết từ bỏ tức là chúng ta đã biết sống với đức ly tham tại đó. Đức ly tham đến đâu thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự đến đó. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự ở đâu thì sự giải thoát ở đó tức là khổ đau không còn nữa.
Chúng ta biết rất rõ sự phán quyết của toà án chỉ có thể phân định đúng sai về chứng lý, cân nhắc lợi ích của các bên thưa kiện, chứ không giải quyết được tình nghĩa con người. Cho nên luật pháp là luật pháp, đâu thể hàn gắn tình cảm con người được.
Đúng vậy luật pháp đâu thể hàn gắn tình cảm con người được. Phải không quý vị? Tình cảm con người chính là đạo đức (đạo đức hiếu sinh). Bởi vậy pháp luật không phải là đạo đức. Luật pháp chỉ giữ gìn trật tự, an ninh, bảo vệ tài sản của mọi người không bị người khác xăm phạm, luật pháp bảo vệ sự sống của con người được bình đẳng như nhau không có ai xăm phạm quyền lợi của người này người khác. Vì thế luật pháp không thể mang lại cho đời sống con người hết những nỗi đau khổ, luật pháp chỉ giữ gìn và bảo vệ người này không được hiếp đáp người kia; người kia không được cướp giựt tài sản của người này. Còn đạo đức sẽ mang lại sự bình an và hạnh phúc cho mọi người; đạo đức sẽ mang lại cho mọi người một tâm hồn cao cả biết thương yêu và tha thứ những lỗi lầm cho nhau; đạo đức sẽ mang lại cho mọi người một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự; đạo đức sẽ mang lại cho mọi người với một tâm hồn bất động trước ác pháp và các cảm thọ; đạo đức sẽ mang lại cho mọi người một sự giải thoát chân thật, một sự làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi.
Cho nên đạo đức là một báu vật quý nhất của loài người, nếu con người không học tập và không rèn luyện cho mình một đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thì quá uổng cho một kiếp làm người.
Đã được sinh ra làm người là một điều quá khó, thế mà được sinh ra làm người lại được gặp đạo đức nhân bản -nhân quả, không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh, thì đó là phước báu vô lượng vô biên. Cho nến đức Phật dạy: “Được sinh làm người là khó, gặp được Chánh pháp còn khó hơn ”. Thế mà được sinh ra làm người, mà lại gặp được Chánh pháp . Gặp được Chánh pháp mà không học tập và không rèn luyện nhân cách thì quá uổng phí cho một kiếp người. Thật đáng tiếc, đáng tiếc!!! Và rất đáng thương cho những ai được học lớp đạo đức NGŨ GIỚI mà lại bỏ học thì quá uổng.
9- “Luật sư của anh con trai dường như bất nhẫn trước cảnh tình bà cụ. Anh dìu bà cụ đứng dậy ra về. Thân già sáu bảy đứa con nhưng đến những năm cuối đời, thì hữu sự chẳng có đứa nào lo cho bà cụ, vì ganh tỵ nhau, giành giật với nhau phần của cải hưởng nhiều, hưởng ít”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU THẢO LY THAM.
Đứng trước cảnh bất hiếu của con cái đối xử với cha mẹ một cách tồi tệ thì ai mà chấp nhận, dù là vị luật sư của cậu con trai mướn nhưng thấy con của bà cụ đối xử với bà như người dưng nước lã nên động lòng trắc ẩn dìu bà cụ ra về.
Đấy quý vị thấy chưa? Lòng tham lam đã khiến cho con người quên ơn nghĩa sâu dày của mẹ cha “Mang nặng, đẻ đau, nuôi dưỡng lớn khôn, lưng dài vai rộng để rồi chỉ vì một vài thửa đất mà tình nghĩa mẹ con chẳng còn chi nữa.
Ngày xưa Chu Thọ Xương người đời nhà Tống bên Trung Hoa, vì hoàn cảnh gia đình mẹ ông ra đi lúc ông còn bé thơ. Sau khi ông thi đổ đạt thành danh, đi làm quan, nhưng ông từ quan đi tìm mẹ hàng chục năm trời trôi qua, ông đã già nhưng vẫn tiến bước đi tìm mẹ, tìm mẹ cho bằng được, đi từ xứ này đến xứ khác phải chịu cảnh đói khổ ngủ bờ ngủ bụi suốt bao năm. Ông làm thuê làm mướn để kiếm cái sống nơi xứ lạ quê người để tìm mẹ. Một hôm ông gặp được mẹ và nói: “Con là Chu Thọ Xương đây mẹ ơi!” Hai mẹ con nhận ra nhau không vì vui mừng hơn. Đấy người xưa bỏ danh lợi để đi tìm mẹ, còn người nay vì tiền tài vật chất ruộng vườn đất đai mà bỏ mẹ, quên công ơn cha mẹ sinh thành. Thật đáng trách, đáng lo cho những thế hệ về sau. Rồi đây đạo đức sẽ đi về đâu?
10- “Không biết họ có nghĩ tuổi già của họ có lúc sẽ nặng lòng hối tiếc về các hành xử hôm nay”. Câu này dạy ĐỨC HỐI HẬN HIẾU SINH Ý HÀNH.
Những hành động bất hiếu hiện giờ do lòng tham che khuất nên không thấy tình nghĩa mẹ con, nhưng rồi đây có những phút giây tĩnh ngộ, ngồi lại một mình, nhất là khi cha mẹ qua đời thì những hành động bất hiếu ấy sẽ sống lại trong những đứa con xem cha mẹ chẳng ra gì. Lúc bây giờ còn gì nữa dù có hối hận ăn năn cũng quá muộn màng.
Ngay từ bây giờ mọi người phải sáng suốt , đừng để tâm tham lam che đậy tâm trí làm mê mờ đạo đức nhân bản, để rồi biến mình trở thành những người con vô ơn bội nghĩa đối với cha mẹ; để rồi biến mình trở thành những người gian tham, trộm cắp, cướp của, giết người để lại tiếng xấu xa muôn đời.
Trong cuộc đời này không ai chấp nhận những người gian tham, trộm cắp, cướp giựt của cải tài sản của người khác. Chính những người ăn cắp cướp của giết người cũng không bao giờ muốn người khác ăn cắp cướp tài sản của mình, nhưng họ lại ăn cắp cướp của người khác mới đáng chê trách. Họ là con người nhưng làm ngược lại con người. Không muốn người lấy của mình mà mình lại đi lấy của người , thật là mâu thuẫn hết sức. Phải không quý vị? Vậy mà trong cuộc đời thường xảy ra những việc lạ lùng không chỗ nói.
Những người lười biếng muốn ngồi mát ăn bát vàng, nên sinh ra đủ điều gian tham, lường lận, dối gạt người để cướp giựt. Những hạng người như vậy mong sao Nhà nước có những biện pháp bắt buộc họ phải đi học đạo đức nhân bản - nhân quả. Nhất là đạo đức ly tham.
Nhờ đạo đức thấm nhuần nên xã hội không còn người gian tham trộm cắp, cướp giựt; không còn những tệ nạn xã hội và nạn trộm cắp cướp giựt sẽ được chấm dứt.
Chúng tôi mong sao cha mẹ và Nhà nước lưu ý đến vấn đề này để gia đình được hạnh phúc và xã hội có trật tự, an ninh thì người dân mới yên tâm và an ổn làm ăn sinh sống.
11- “Lòng trĩu nặng hình ảnh bà cụ già , tôi bần thần trước sân pháp đình, nơi chứng kiến biết bao buồn đau, thống khổ của những phận người. Cùng tâm trạng dai dứt , người luật sư chia sẻ nỗi đồng cảm về tình cảnh bà cụ già. Anh hoàn thành trách nhiệm với thân chủ của mình nhưng lương tâm của một con người khiến anh sẽ thuyết phục để hai mẹ con họ hòa giải với nhau. miếng đất có thể nhỏ đi một chút, nhưng tình cảm sẽ vẹn toàn, sẽ nhân lên thì tốt đẹp biết bao”. Câu này dạy MỘT NIỀM AO ƯỚC HÕA GIẢI ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
“Miếng đất có thể nhỏ đi một chút, nhưng tình cảm sẽ vẹn toàn, sẽ nhân lên thì tốt đẹp biết bao”. Đó là một điều ước mơ của người phóng viên tòa án . Những điều mơ ước này ai cũng mong sao nó trở thành hiện thực, nhưng làm sao được nó chỉ là một ước mơ trong tâm mà thôi.
Nhưng cũng có những điều ước mơ có thể trở thành hiện thực, đó là ước mơ nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Nếu được Nhà nước quan tâm chú ý triển khai nền đạo đức này để Đất nước chúng ta đi vào chương trình toàn dân học đạo đức. Toàn dân học đạo đức là một điều ước mơ thành hiện thực. Đó là một niềm vui mừng chung cho cả nước. Vì con cái hiếu hạnh đối với mẹ cha; vì sự an vui và bình an cho mọi người. Bởi đức hiếu sinh mang đến cho con người lòng yêu thương và tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau; bởi đức ly tham sẽ mang đến cho cuộc sống con người không còn gian tham, trộm cắp, cướp của giết người; bởi đức chung thủy sẽ mang đến cho mỗi gia đình nhà nhà đều hạnh phúc, an vui không có bạo lực gia đình, không có nạn mãi dâm; bởi đức thành thật sẽ mang đến cho con người không còn gian tham, dối trá, lừa đảo, xảo quyệt, lường gạt người khác; bởi đức minh mẫn sẽ mang đến cho con người một cuộc sống lành mạnh, sức khỏe dồi dào, vì không bị nghiện ngập, rượu chè say xỉn, không cờ gian bạc lận, không hút xách, không xì ke ma túy. Nếu mọi người dân trong nước từ già chí trẻ, từ nam chí nữ đều được học những đạo đức này thì cuộc sống của con người trên hành tinh này thật là bình an, yên vui giống như cuộc sống trên cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
Cho nên ước mơ mọi người đi học đạo đức nhân bản – nhân quả này có thể thành hiện thực, còn ước mơ cho mẹ con gia đình này đoàn tụ mà chính cái gốc ly tham của những người này chưa trừ diệt thì những ước mơ đó khó thành hiện thực.
12- “Và khi chúng tôi nhìn về ô cửa sổ phòng thẩm phán chủ tọa cũng bắt gặp một ánh mắt đăm chiêu đang dõi theo bóng bà cụ liêu xiêu trong nắng chiều. Lòng tôi vẫn mong mẹ con họ sẽ hoà giải, sẽ vui vẻ đoàn tụ bên nhau để tháng ngày còn lại của bà cụ được sống thanh thản bên con cháu. Mong lắm thay! ” Câu này dạy ĐỨC HÕA HỢP HIẾU SINH Ý HÀNH.
Cuộc sống này muốn mọi người được đoàn tụ và hòa hợp với một tình thương yêu nhau thắm thía thì chỉ có học năm đức hạnh như chúng tôi đã kể ở trên.
Giới luật đức hạnh của Phật giáo rất thiết thực với đời sống hằng ngày của con người. Cho nên mọi người có tôn giáo dù bất cứ tôn giáo nào hay không có tôn giáo cũng đều phải đi học đạo đức nhân bản – nhân quả. Vì đạo đức nhân bản là đạo đức của loài người, chứ không phải của riêng của Phật giáo, xin quý vị lưu ý.
Đạo đức Tam Quy, đạo đức Ngũ Giới, đạo đức Thập Thiện, đạo đức Bát Quan Trai, đạo đức Thập Giới Sa Di, đạo đức 250 Giới Tỳ Kheo Tăng và đạo đức 348 Giới Tỳ Kheo Ni. Đây là tất cả giới luật đức hạnh của Phật giáo, nhưng nó là đức hạnh của loài người, vì thế con người cần phải học, học đầy đủ tất cả những giới luật đức hạnh này thì chắc chắn mọi người sẽ là những bậc thánh hiền không còn là những người phàm phu tục tử.
Người sống đúng những giới luật đức hạnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào thì người ấy tâm đã ly dục ly ác pháp hoàn toàn và người ấy là người chứng đạo có đầy đủ Tam Minh lục thông.
Cho nên giới luật đức hạnh rất quan trọng đối với loài người, nó mang đến cho loài người một sự bình an yên ổn vô cùng to lớn và vĩ đại.
Chúng ta là những người có đủ duyên, nhất là có đủ phước báu vô lượng, vô biên được sinh ra làm người, được học đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, thì đó là thật hạnh phúc nhất trần gian.
Chúng tôi chỉ ước mong sao mọi người đều được đi học đạo đức, để làm sáng tỏ con đường Chánh pháp của đức Phật, để thấy con đường tu hành của Phật giáo không phải là một sự tưởng tượng mờ hồ, ảo tưởng, trừu tượng, ảo giác, sống trong hư ảo thế giới thần quyền.

(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Link sách: http://bit.ly/12arItx

No comments:

Post a Comment