“TỪ BỎ GIA ĐÌNH” là một hành động Thánh hạnh cắt ái ly gia, thoát khỏi mọi sự ràng buộc tình cảm gia đình, gia tộc, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo. Mọi người sống chung nhau trên hành tinh này, nếu muốn làm Thánh ra khỏi sinh tử luân hồi thì cần phải học và sống đúng những đức hạnh này.
Đây là một giới luật dạy về đức hạnh trong những đức hạnh làm Thánh mà các bạn cần phải học hiểu và sống đúng những đức hạnh này để không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Có như vậy, các bạn mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng.
GIỚI ĐỨC LY GIA CẮT ÁI
“GIỚI ĐỨC LY GIA CẮT ÁI” là một hành động đạo đức thuộc về thân và tâm giải thoát của Phật giáo để trở thành một bậc Thánh Tăng, Thánh Ni. Giới này nghe thì dễ nhưng thực hiện nó cho bằng được thì khó vô cùng. Khi thực hiện giới này không khéo léo thiện xảo thì các bạn phạm vào giới đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai thì “GIỚI ĐỨC LY GIA CẮT ÁI” thật là khó nan giải. Phải không các bạn?
Ở đời ai ai cũng phải có gia đình, nhưng đối với những người tu sĩ Phật giáo thì phải ly gia cắt ái. Chính gia đình là những sợi dây tình cảm của những người thân thương trói buộc rất chặt nên khó cho các bạn tu tập giải thoát.
Đạo Phật chủ trương sống không làm khổ mình, khổ người, nhưng phải cắt ái ly gia thì tu hành mới chứng đạo. Điều này nghe thì dễ nhưng làm thì khó vô cùng như trên đã nói. Cắt ái ly gia mà gia đình không buồn thì làm sao được. Phải không các bạn? Đấy là đạo đức Thánh hạnh giải thoát của Phật giáo đấy các bạn ạ!
Vậy trước tiên bạn muốn tu theo Phật giáo thì bạn phải tu học đạo đức làm người sống không làm khổ mình, khổ người, có nghĩa là các bạn phải sống nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng như thế nào, để mọi người trong gia đình mến phục đức hạnh của các bạn và khi các bạn xuất gia mọi người thân sẽ vui vẻ không có ý cản trở sự tu hành.
Khi mọi người trong gia đình vui lòng cho các bạn đi tu, thì các bạn đừng chần chờ mà hãy mau mau rời bỏ gia đình để thực hiện ở giai đoạn hai của Phật giáo, để trở thành người tu sĩ Phật giáo chân chánh “TỪ BỎ GIA ĐÌNH”.
“TỪ BỎ GIA ĐÌNH” là một đức hạnh làm Thánh ly gia cắt ái. Vì thế, các bạn không có quyền làm khổ những người thân trong gia đình. Bằng mọi cách các bạn phải sống với họ như thế nào? Và đối xử như thế nào để họ vui lòng chấp nhận cho các bạn xuất gia tu hành. Đó mới gọi là “GIỚI ĐỨC LY GIA CẮT ÁI”. Chỉ cần các bạn không ý thức đức hạnh về điều này thì gia đình các bạn tan nát và khổ đau, và như vậy các bạn phạm vào giới “TỪ BỎ GIA ĐÌNH” tức là “GIỚI ĐỨC LY GIA CẮT ÁI” không bao giờ được viên mãn.
GIỚI HẠNH LY GIA CẮT ÁI
“TỪ BỎ GIA ĐÌNH” là một Thánh hạnh giải thoát không còn ái kiết sử trói buộc. Vì vậy, người tu hành tìm cầu sự giải thoát mà còn vướng bận gia đình thì làm sao giải thoát được. Sự thương, sự nhớ cũng làm cho các bạn tu hành rất khó khăn. Phải không các bạn?
Mục đích của Phật giáo là sống trong thế gian mà vượt ra ngoài thế gian, sống bình thường nhưng lại phi thường, vì dục và ác pháp không còn tác động vào thân tâm các bạn được, nhưng các bạn cũng không phải sống trơ trơ như đá.
Các bạn có biết không? Gia đình là một chùm nhân quả, vì thế muốn sống không gia đình như trong giới luật đã dạy thì các bạn không được quyền bỏ gia đình, bỏ cha mẹ, vợ con v.v.., nhưng khi muốn đi tu thì các bạn phải được sự đồng ý của những người này. Đồng ý cho các bạn đi tu không phải vì sự bắt buộc của các bạn, mà vì người thân trong gia đình đã tự giác ngộ đời người là đau khổ. Khi mọi người trong gia đình đồng ý cho các bạn đi tu là họ đã hiểu được con đường giải thoát của Phật giáo là đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người... Con đường ấy có đủ khả năng nội lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.
Một người tu sĩ của Phật giáo có vợ con thì đó là phạm vào giới hạnh sống không gia đình. Cho nên, mọi người thấy một người tu sĩ Phật giáo có vợ con thì đó là một cư sĩ trọc đầu. Thật ra người cư sĩ trọc đầu là một tu sĩ phạm giới, phá giới, là một loại trùng trong lông sư tử, nó sẽ giết chết sư tử, nó sẽ giết chết đạo Phật. Đó là một loài Ma trong Phật giáo. Xin các bạn lưu ý và cảnh giác những hạng tu sĩ này, họ là những người mượn tôn giáo làm đời sống.
“SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” là một Thánh hạnh giải thoát của người tu sĩ Phật giáo. Người tu sĩ Phật giáo phải chấp nhận một đời sống du Tăng khất sĩ, một đời sống phiêu lưu nay đây mai đó, sống không gia đình, không nhà cửa. Đây là một cuộc sống trái ngược với cuộc sống thế gian. Cuộc sống thế gian là phải có gia đình, một mái ấm tình thương. Ngược lại, đời sống tu sĩ Phật giáo phải ly gia cắt ái, tức là sống không gia đình. Đó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo, sống trong trần lao mà đã ra khỏi trần lao, nếu ai không chấp nhận Thánh hạnh này thì đừng nên xuất gia. Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà thế tục, sống một đời giải thoát không còn bị ai trói buộc các bạn bằng bất cứ điều gì.
“SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” là giới hạnh giải thoát của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni, nếu ai muốn tu theo Phật giáo mà không chấp nhận giới hạnh ly gia cắt ái này thì không bao giờ trở thành người tu sĩ Phật giáo chân chánh được.
“SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” là giới cụ túc thứ ba nó thuộc về giới hạnh ly gia cắt ái, nếu không có giới hạnh ly gia cắt ái thì làm sao thoát khỏi sự trói buộc của nhân quả ái kiết sử. Làm sao ra khỏi nhà sanh tử và chấm dứt luân hồi. Giới này là giới luật cắt tất cả những sợi dây ái kiết sử. Vậy các bạn nên lưu ý: Thánh hạnh giải thoát là đây, ngoài Thánh hạnh này đi tìm sự giải thoát không có.
Ngày xưa, đức Phật đã chấp nhận giới này nên Ngài mới bỏ cung vàng điện ngọc vợ đẹp con thơ. Khi bỏ đi tu như vậy mới ra khỏi sự trói buộc của những sợi dây ái kiết sử.
Chúng ta nói thì dễ nhưng mấy ai làm được, khó lắm các bạn ạ! Khi đã có gia đình là điều khó bỏ, khó vô cùng khó.
Làm được như đức Phật phải là người có nghị lực, có gan dạ, có ý chí, có quyết tâm cao, chứ hạng tầm thường thì chẳng bao giờ dứt áo ra đi được, cuộc sống trách nhiệm bổn phận trong gia đình luôn luôn kéo dài mãi lê thê trong tình trạng như kéo cưa. Vì thế, sự tu hành chỉ dậm chân tại chỗ, không tiến sâu vào định và cũng không thể vượt ra khỏi không gian và thời gian của nhân quả.
Nếu ngay giới hạnh thứ ba “SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” này các bạn đã sống đúng nghiêm chỉnh thì đã nhận ra được sự giải thoát khỏi mọi sự ràng buộc của gia đình vợ con hay chồng con. Đó là một sự ràng buộc mà những nhà tu hành gọi đó là nhà tù khổ sai chung thân. Nói như vậy có quá lời không các bạn? Nếu các bạn có gia đình thì các bạn sẽ biết nỗi khổ này, hạnh phúc gia đình chỉ là bong bóng nước, khổ nhiều mà sự an vui chẳng có bao nhiêu. Phải không các bạn?
Nếu giới hạnh thứ ba “SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” này các bạn không chấp nhận thì giới thứ nhất và giới thứ hai chỉ là một hình thức một tu sĩ Phật giáo suông mà thôi. Cuộc đời của các bạn mang hình thức tu sĩ Phật giáo mà không dám lìa xa các ái kiết sử thì cũng phí một đời tu hành của các bạn mà thôi.
Cuộc đời tu hành theo Phật giáo lấy sự giải thoát làm đầu, cho nên tất cả sự việc trên thế gian này đều buông xả sạch nhờ có buông xả sạch nên mới làm chủ được nhân quả. Còn gia đình là một nhân quả đã vay trả trải qua nhiều đời kiếp, chứ không phải chỉ có một đời nay. Các bạn nên nhơ: “TỪ BỎ GIA ĐÌNH, SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH” là một việc làm rất khó, bỏ mà có đạo đức, bỏ mà không làm khổ mình, khổ người thì mới gọi là bỏ.
Xin các bạn nên lưu ý, giới thứ nhất và giới thứ hai: “CẠO BỎ RÂU TÓC, ĐẮP ÁO CÀ SA” giúp các bạn thay đổi hình sắc thế gian, bằng hình sắc xuất thế gian để nhắm hướng giải thoát đi đến. Vì thế, giới thứ ba dạy việc đầu tiên là các bạn phải buông xả chùm nhân quả gia đình: “TỪ BỎ GIA ĐÌNH, SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH”.
Khi từ bỏ gia đình sống không gia đình thì các bạn tìm thấy được sự giải thoát ngay liền không còn bị trói buộc những sợi dây ái kiết sử nữa. Đó là pháp thực tế hiện tại không có thời gian đến để mà thấy.
Quả giải thoát ngay liền nhưng việc làm được như vậy không phải là một việc dễ làm như đã nói ở trên. Vì nó là giới hạnh ly trần tục, thoát kiếp đời khổ đau.
Khi nghe đức Phật trình bày kết quả giải thoát của vị Sa Môn thì vua A Xà Thế phải chấp nhận ngay liền. Sự chấp nhận của Vua A Xà Thế cũng là một kết quả của Sa Môn hạnh hay nói cách khác là kết quả giới hạnh làm Thánh của những người tu theo Phật giáo.
Học giới luật đến đây các bạn thấy giới luật của Phật là một pháp môn tuyệt vời, mỗi giới đều có mỗi đức, mỗi hạnh. Mỗi đức, mỗi hạnh đều nhắm vào mục đích ly dục, ly ác pháp để đi đến quả giải thoát hoàn toàn.
Kính thưa các bạn! Giới luật là một pháp môn dạy về đức hạnh, đâu phải là chiếc bè đưa qua sông như các nhà Đại Thừa đã hiểu. Các bạn tu học giới luật là để thấm nhuần đức hạnh làm Người làm Thánh. Khi thấm nhuần giới luật đức hạnh thì các bạn trở thành giới luật đức hạnh. Như vậy giới luật là chiếc bè sang sông thì không đúng các bạn ạ! Cho nên lời dạy:“Chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp” lời dạy này không đúng xin các bạn đừng nghe theo, đó là lời phi pháp để diệt chánh pháp của đức Phật.
GIỚI HÀNH SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH
Muốn sống không gia đình thì hằng ngày các bạn nên tư duy: “Gia đình là sợi dây ái kiết sử, khiến cho các bạn rất khổ đau vì lòng yêu thương những người thân trong gia đình”.
Thưa các bạn! Vì lòng thương yêu đối với những người thân trong gia đình mà biết bao nhiêu lần các bạn phải khổ đau với họ. Những sự khổ đau ấy gồm có:
1/ Khi những người thân bệnh tật các bạn phải chăm sóc thức khuya dậy sớm, phải cho ăn cho uống thuốc, phải dìu dắt tiêu tiểu bồng bế, phải giặt giũ quần áo v.v.. chịu biết bao vô vàn cực khổ khi ở nhà cũng như đến bệnh viện.
2/ Khi những người thân bị tai nạn thì các bạn lo lắng, buồn rầu ăn không ngon, ngủ không yên v.v..
3/ Khi có những người thân rượu chè say sưa, cờ bạc, điếm đàng v.v.. là một tai hoạ cho gia đình rất lớn các bạn sẽ khổ đau biết chừng nào.
4/ Khi con cái không nghe lời cha mẹ, bỏ học trốn học, bê tha chơi bời với những bè bạn hư thân mất nết thì các bạn làm cha mẹ rất là khổ tâm.
5/ Khi vợ hay chồng ngoại tình là một nỗi khổ tâm nhất cho những người thân trong gia đình, không những người lớn mà con cái cũng đau khổ.
6/ Khi trong gia đình có người mất là một nỗi khổ đau buồn bã nhất, không còn ai thích ăn, thích ngủ, thích làm, thích vui chơi v.v.. Thật là một nỗi trời sầu đất thảm.
7/ Những lời khuyên răn, những lời dạy bảo, những lời nói ngăn cản không cho người thân làm những điều sai trái thì dường như những lời ấy làm nghịch ý, sinh ra những chướng ngại trong gia đình khiến mọi người không vui. Đấy cũng là một sự khổ đau, buồn phiền.
Kể ra sống trong gia đình là một cuộc sống khổ đau triền miên bất tận, phải nói rằng khổ đau thì nhiều mà sự an vui thì không bao nhiêu. Bởi vậy muốn thoát ra khỏi mọi sự khổ đau trên cuộc đời này thì gia đình là nơi mà các bạn cần phải xa lìa trước nhất. Do đó, những giới đầu tiên của Phật giáo cho người xuất gia đều nhắm vào ái kiết sử, vì thế, phải giữ gìn nghiêm chỉnh giới “SỐNG KHÔNG GIA ĐÌNH”.
Muốn sống không gia đình thì các bạn thường tác ý: “Gia đình là ái kiết sử, là nỗi khổ đau bất tận của loài người, là lộ trình của qui luật nhân quả để tiếp tục tái sinh luân hồi khổ đau mãi mãi, ta phải cố gắng bằng mọi cách vượt ra mạng lưới của gia đình”.
Tóm lại, người tu sĩ và người cư sĩ Phật giáo phải thông suốt mạng lưới ái kiết sử gia đình, để tìm mọi cách thoát ra và chấm dứt sợi dây vô hình luôn luôn trói buộc bằng tình thương và đau khổ muôn đời mà mọi người trên thế gian này không ai tránh khỏi.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách:
No comments:
Post a Comment